Dự báo thị trường hàng hóa dịp cuối năm sẽ sôi động
Sẵn sàng chuẩn bị hàng tết
Dự báo của ngành Công thương cho thấy, thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay sẽ sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng, đồng thời, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Tính đến thời điểm này, dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu với các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Dự báo, Tết năm nay, nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin về khả năng cung ứng nông sản, thực phẩm trong dịp tết, ông Phạm Văn Duy, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời tiết năm nay cơ bản ổn định nên hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi, năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, cả nước ước đạt 43,1 triệu tấn thóc, 19 triệu tấn rau củ quả, 6,98 triệu tấn thịt, 1,16 triệu tấn sữa tươi…
Dự báo của ngành Công thương cho thấy, thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay sẽ sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước |
Về kiểm soát giá cả, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối dồi dào, bảo đảm ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đơn vị chủ động, tích cực triển khai việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Trong đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.
Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng dự trữ, các doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để bảo đảm người dân được đón Tết đầy đủ, an toàn, lành mạnh.
Hà Nội bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa dịp Tết
Thông tin về việc cung ứng hàng hóa dịp tết, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng từ 15% - 30% tùy từng mặt hàng. Do đó, thành phố đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 kéo dài đến hết tháng 5-2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể. Thành phố đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.
Riêng về lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (trong 3 tháng trước, trong và sau Tết), thành phố đã chuẩn bị 290.100 tấn gạo; 57.900 tấn thịt lợn, 19.200 tấn thịt gà; 16.050 tấn thịt bò, 387 triệu quả trứng gia cầm, 322.500 tấn rau củ; 15.900 tấn thực phẩm chế biến; 15.900 tấn thủy hải sản; 156.000 tấn trái cây... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Thành phố Hà Nội đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu |
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trung bình từ 15% - 30% so với Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng, đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Hà Nội đã triển khai phục vụ Tết cho Nhân dân tại toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn. Theo đó, đưa vào vận hành thêm 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 85 điểm.
Thành phố chuẩn bị tổ chức nhiều chương trình, sự kiện phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2023 như: Hội chợ nông sản, Sự kiện tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, 4 hội chợ xuân, 86 điểm chợ hoa Xuân, chương trình Happy Tết. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để bảo đảm đưa hàng hóa về Hà Nội, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24 giờ để bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.