Bước chuyển mình trong thời đại công nghệ số
Định vị, lan tỏa giá trị làng nghề Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Không những vậy, Hà Nội còn là “nôi nghề” của cả nước, nơi tinh hoa bốn phương hội tụ. Hiện thành phố có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước và cũng là nơi có nhiều “tổ nghề” của nhiều làng nghề trong cả nước.
Các làng nghề ở Hà Nội đã sản xuất rất nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội có giá trị đặc biệt, được công nhận là bảo vật của quốc gia.
Đặc biệt, từ rất sớm, Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống của cả nước. Ví như, nhắc tới phố Hàng Bạc là nhắc tới nghề chạm bạc. Tương truyền, nghề có lịch sử phát triển từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hay như với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, tương truyền do những người dân làng Bồ Bát xưa (nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) tạo nên.
![]() |
Trong xu thế của hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự thích ứng với công nghệ số, làng nghề gốm Bát Tràng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và kết nối giao thương |
Các làng có nghề phát triển đã tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Ở đó, không chỉ người trong độ tuổi lao động có việc mà ngay cả người già, người khuyết tật... cũng có việc làm phù hợp để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Hiện Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông.
Đó là chưa kể sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng dân cư, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu truyền tinh hoa nghệ thuật từ đời này sang đời khác... Làng nghề Hà Nội sử dụng nguyên liệu từ nhiều nơi trên cả nước, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của những địa phương có liên kết vùng với Hà Nội.
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, như: Làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng cốm Mễ Trì...
![]() |
Người dân tham quan và mua sắm các sản phẩm lụa vủa làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) |
Việc phát triển du lịch làng ghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của thành phố Hà Nội hiện nay. Giá trị sản xuất làng nghề của Hà Nội hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Hiện nay, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề; có đề án bảo tồn làng nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề; có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống thành những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.
Thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển làng nghề
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thời gian qua, nhiều làng nghề của Thủ đô đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, quảng bá thương hiệu. Nhờ đó, không chỉ vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề được khắc phục, mà các sản phẩm làng nghề còn tận dụng cơ hội và xu thế công nghệ số để vươn ra thị trường thế giới.
Đơn cử như làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), với gần 700 năm tuổi đời, làng nghề gốm Bát Tràng từ bao đời nay vẫn được biết đến là vùng địa linh, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng… Trong xu thế của hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự thích ứng với công nghệ số, làng nghề gốm Bát Tràng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và kết nối giao thương. Nhờ đó, làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa.
![]() |
Các sản phẩm OCOP của làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) được đông đảo du khách trong nước và quốc tế quan tâm |
Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, trước đây khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm của làng Bát Tràng làm ra chỉ có thể bán và giới thiệu sản phẩm tại chỗ. Tuy nhiên hiện nay, cả làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu nhanh nhất đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi và không thể cạnh tranh nổi.
Là hộ kinh doanh ứng dụng thành công việc đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên sàn thương mại điện tử, anh Trần Dương Quý (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Sau khi xây dựng kênh bán hàng online qua Facebook, Zalo… hiện nay các trang mạng xã hội này của gia đình anh Quý đã thu hút được hàng triệu người tiêu dùng. Cụ thể, riêng với kênh Facebook, sau gần 5 năm xây dựng, hiện kênh bán hàng này của gia đình đã tiếp cận được gần 9 triệu người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi sản phẩm ra mắt đều được đông đảo người tiêu dùng, người buôn bán ở các tỉnh, các địa phương biết đến nhanh chóng…
Để các sản phẩm làng nghề truyền thống thực sự vươn xa và đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại số, thì việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ, thực hiện mô hình “làng nghề xanh”, “làng nghề số” là xu hướng và nhiệm vụ tất yếu cần phải thực hiện.
Khi đã ứng dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng sẽ được xử lý, khi đó việc tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề qua các sàn thương mại điện tử sẽ là một hướng đi mới, hướng đi hiện đại và hiệu quả cần được các cơ sở sản xuất, các nghệ nhân làng nghề đầu tư phát triển.
![]() |
Các sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đều đạt chứng nhận OCOP |
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đề án hướng tới bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cùng với đó mở rộng, phát triển những nghề mới, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo đề án, thành phố sẽ tiến hành rà soát, phân loại các làng nghề để xác định phương án duy trì, bảo tồn hoặc chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công truyền thống có thế mạnh được hỗ trợ để nâng cao giá trị thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội nhằm thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội đặt mục tiêu khôi phục và bảo tồn ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một. Đồng thời, thành phố phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề sẽ được nâng cấp từ "làng nghề" lên "làng nghề truyền thống".
Đặc biệt, thành phố tập trung hỗ trợ số hóa cho 300 sản phẩm làng nghề, tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có cơ hội tiếp cận thị trường trực tuyến. Dự kiến, hơn 50% làng nghề sẽ có sản phẩm được chứng nhận OCOP, ít nhất 30% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của các làng nghề được đặt mục tiêu đạt 10% mỗi năm.
![]() |
Các sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống của Hà Nội được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ |
Hà Nội cũng cam kết duy trì 100% làng nghề đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định. Song song với đó, thành phố đẩy mạnh phát triển các không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề, phấn đấu có ít nhất 30% làng nghề tham gia sàn thương mại điện tử, đồng thời xây dựng Vlog làng nghề Hà Nội, sổ tay điện tử làng nghề để quảng bá và kết nối thị trường.
Có thể thấy rằng, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, qua đó lan tỏa nét đẹp, giá trị tích cực của làng nghề đến với cộng đồng, tất cả cùng chung sức bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nông dân Thủ đô thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường

Bình Định: Cấm biển đối với tàu cá "3 không"

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành dự án đập dâng Phú Phong

Thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số nông nghiệp và môi trường

Ngọn lửa thiêng - Niềm tự hào dân tộc được tiếp nối qua các thế hệ, góp sức dựng xây đất nước

Thành lập Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và môi trường Hà Nội

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực

Tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Phát triển đội ngũ khuyến nông chuyên sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
