Đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh bền vững
Tham dự Đại hội có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định và biểu dương vai trò của đồng bào các DTTS Việt Nam thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Đại hội |
Theo đó, Đại hội lần này sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận báo cáo chính trị với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Đại hội còn được nghe báo cáo của các điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS Việt Nam, đặc biệt lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng tin tưởng sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên cán bộ Đảng, Nhà nước, của các vị đại biểu, sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân đặc biệt là đồng bào DTTS, chắc chắn Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Đại diện thanh niên các DTTS tặng hoa chào mừng Đại hội |
Tại Đại hội, phát biểu chào mừng Đại hội, đại diện thế hệ trẻ các DTTS thể hiện niềm tin son sắt vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; Đồng thời hứa sẽ tiếp tục ra sức thi đua, học tập tốt, cùng nhau đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh bền vững.
Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày báo cáo chính trị của Đại hội với 2 nội dung chính: Kết quả thực hiện quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I năm 2010; Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong giai đoạn vừa qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Nổi bật là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2 - 3%; Các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; Các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn, bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. |
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt kết quả bước đầu quan trọng; Chính sách hỗ trợ cho con em ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm.
Cùng với đó, sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị, đội ngũ và chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh của người dân...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cũng đạt được kết quả rõ nét hơn; Tiếp tục được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Chủ tịch Nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số. Ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số đã tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái, giữa các dân tộc với nhau. Nhờ đó, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát triển.
Đồng bào tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở các buôn làng. Vai trò của các già làng trưởng bản ngày càng được phát huy.
Phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm; Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên rõ rệt. Qua việc phòng, chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, bão lũ, sạt lở đất vừa qua, hơn bao giờ hết, chúng ta càng trân quý sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào với nhau.
Báo cáo cũng đề ra các mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới.
Đại biểu tỉnh Yên Bái tham luận tại Đại hội |
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe các tham luận của tập thể, cá nhân tiêu biểu; Xem phim tài liệu về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đại hội còn vinh dự được nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.