Đón Tết mùa dịch bằng chúc Tết online
Ý nghĩa của “Mùng 3 Tết thầy” Vì sao lại gọi là “Mùng 2 Tết Mẹ”? Làm gì trong ngày mùng 1 Tết để năm mới hanh thông, thuận lợi? |
Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện khiến nhiều hoạt động trong đời sống xã hội đã có sự điều chỉnh, thích ứng và thay đổi rõ rệt. Năm nay, cụm từ “chúc Tết online”, “ăn Tết qua mạng” trở thành xu hướng tìm kiếm và được nhiều người quan tâm. Có lẽ, đây cũng là cách thức đón Tết linh động, thích ứng và phù hợp trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn đang phức tạp tại nhiều địa phương.
Ở lại Hà Nội để tiếp tục công việc và cũng vì đang trong thời gian tự cách ly do trở thành F1, Vũ Thu Hoài (24 tuổi, trú tại quận Đống Đa) cho biết đã sử dụng tất cả các thiết bị thông minh đang sở hữu để liên lạc, chúc mừng năm mới với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Không thể về ăn Tết cùng gia đình vì đang tự cách ly, Thu Hoài đã gửi lời chúc và lì xì gia đình online |
“Thật may mắn là chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nơi mà công nghệ đã kết nối mọi người gần nhau hơn. Dù không khí không thể bằng ở nhà nhưng mình sẽ chăm chỉ gửi lời chúc Tết, tiền lì xì và làm bữa cơm cúng tổ tiên, nâng ly chúc mừng năm mới với mọi người qua livestream. Với mình, đây là cách an toàn, phù hợp nhất để đón Tết năm nay”, Thu Hoài hào hứng nói
Tương tự Thu Hoài, trải qua một năm khó khăn vì dịch bệnh, công việc của Nguyễn Tuấn Hải (27 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm) gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút nên anh quyết định ở lại Thủ đô chứ không về đón Tết với gia đình ở Hà Tĩnh.
“Không thể về sum họp bên gia đình, mình cảm thấy rất đáng tiếc. Cả năm qua, mình đã không được về thăm gia đình do dịch bệnh triền miên, giờ sẵn sàng hơn thì lại không thể về vì nỗi lo tài chính”, Tuấn Hải nói
Dù vậy, việc không về quê Tết năm nay cũng giảm bớt giúp chàng trai trẻ nhiều nỗi lo. Thay vì hối hả đặt vé tàu xe, máy bay, mua quà, sắm sửa để về ăn Tết như mọi năm, năm nay Hải đã có thể thảnh thơi hơn mà lại tiết kiệm.
Tuấn Hải hoàn thành kế hoạch đón Tết online và "biếu" Tết bằng chuyển khoản |
Tuấn Hải cho biết, anh đã thực hiện kế hoạch “biếu Tết bằng chuyển khoản”. Hải đã chuyển vào tài khoản cho bố mẹ một khoản tiền để mua lễ dâng lên bàn thờ tổ tiên cũng như biếu cha mẹ chi tiêu Tết. Hải cũng gọi video call về nhà vào đêm giao thừa để chúc Tết với gia đình qua màn hình.
“Dù qua hình thức nào thì không thể so được với việc gặp nhau trực tiếp nhưng với mình, trong thời điểm này hạn chế di chuyển giúp cho chính mình và người thân an toàn. Còn việc lì xì cho các em, các cháu ở quê, mình cũng có nói trước với mọi người là sẽ chuyển tiền qua tài khoản và gửi em gái đại diện để sáng mùng 1 sẽ lì xì với nhau qua màn hình", Tuấn Hải chia sẻ.
Không gặp khó khăn như Thu Hoài hay Tuấn Hải, dù vẫn có thể về quê và đi chúc Tết truyền thống như mọi năm, Thảo Nguyên (25 tuổi, nhân viên hành chính) quyết định hạn chế ra ngoài ngày Tết vì tại Thái Bình lúc này tình hình dịch COVID-19 vẫn còn khá phức tạp. Thay vì gặp mặt trực tiếp, cô gái trẻ đã sử dụng những tấm thiệp điện tử cũng như xin sẵn tài khoản ngân hàng của người thân và bạn bè để lì xì online.
Những tấm thiệp điện tử đã được Thảo Nguyên lựa chọn từ sớm để sẵn sàng chúc Tết online |
"Những lời chúc mở đầu năm mới mang đầy ý nghĩa may mắn, thịnh vượng là điều không thể thiếu trong những ngày Tết, giúp mọi người kết nối và thể hiện tình cảm trong thời khắc chuyển giao năm mới.
Tuy nhiên, khi mà dịch bệnh vẫn còn trong khi mọi người còn rất nhiều cơ hội để gặp nhau, mình nghĩ rằng lúc này mình cần thận trọng và an toàn hơn. Khi dịch bệnh qua đi sẽ là lúc gặp nhau để vừa yên tâm, vừa thoải mái hơn", Thảo Nguyên chia sẻ.
Đã 2 năm kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và tác động tới cuộc sống bình thường, việc chúc Tết online với những tấm thiệp màu sắc, những lời chúc Tết hay đang được nhiều người sử dụng bởi vì sự nhanh, tiện cũng như mặc sức lựa chọn, sáng tạo mà không cần phải đến tận nơi, tay bắt mặt mừng như trước đây.
Để an toàn trong dịp Tết, nhiều bạn trẻ lựa chọn đón Tết bằng chúc Tết online |
Chúc Tết online có thể không thể hiện được đầy đủ nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết của người Việt, nhưng để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, từ các ứng dụng mạng xã hội hay khắp các ngõ ngách trên internet, không khí đón Tết hay những lời chúc trực tuyến đang trở nên phổ biến và phong phú hơn. Trên tất cả, nó cho phép mọi người xóa bỏ khoảng cách, thể hiện tình cảm với người thân, bạn bè khi không thể về quê sum họp cùng gia đình, bạn bè như những năm trước đây.