Doanh thu bán hàng trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán tăng 20-25%
Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20-25%, chiếm 5-7% tổng doanh thu bán hàng; Tỷ trọng khách hàng thanh toán trực tuyến chiếm 10-20%, tăng khoảng 15%.
Giá hàng hóa duy trì ổn định so với thời điểm trước Tết. Lượng hàng tồn kho sau Tết dưới 10%, bảo đảm lượng tồn kho hợp lý để sẵn sàng phục vụ nhân dân sau Tết.
Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa trở lại, lượng hàng hóa cung ứng bảo đảm dồi dào, giá cả ổn định; một số siêu thị như BigC sau Tết doanh thu tăng trưởng tốt (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2020).
Đối với các chợ trên địa bàn, lượng hàng về chợ và lượng khách đến mua sắm tăng 5-10% so với ngày thường nhưng giảm khoảng 10% so với Tết năm 2020. Giá cả hàng hóa tại chợ cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Doanh thu bán hàng trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán tăng 20-25% |
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương đã cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án triển khai đồng bộ công tác phục vụ Tết. Nhờ đó, thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết dồi dào, đa dạng, không xảy ra hiện tượng mua tích trữ hàng hóa hoặc thiếu hàng, tăng giá đột biến (bao gồm cả các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19). Công tác phòng, chống dịch tại hệ thống các điểm bán lẻ được thực hiện nghiêm túc.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, dịp sát Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số mặt hàng nông, thủy sản của các tỉnh khó khăn trong việc tiêu thụ. Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với sở công thương các tỉnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Trong đó, Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ 300 tấn rau, củ, quả tại hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Hà Nội tại các tỉnh; hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đưa các sản phẩm thủy sản cá, hàu, tôm, ghẹ vào các hệ thống phân phối để tiêu thụ; hỗ trợ các xe chở hoa tươi của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố trong việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm chợ hoa xuân và các chợ trên địa bàn thành phố; phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong chuẩn bị, cung ứng tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn…
Về phía các doanh nghiệp, đã chủ động áp dụng nhiều phương thức bán hàng và thanh toán để hỗ trợ người dân mua sắm trong dịp Tết (nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát), nên doanh thu bán hàng của các đơn vị không giảm, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng |
Bộ Tài chính nhận định, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.
Tình hình giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra và các định hướng giải pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai các Bộ, ngành.
Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp; hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là đã chủ động nguồn hàng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020 và đặc biệt là kịp thời cung ứng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo các chương trình bình ổn thị trường của địa phương.