Tạo dư địa cho người trẻ phát huy tài năng trong khoa học
Xây dựng thế hệ thanh niên làm chủ khoa học công nghệ |
Chiều 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025 với chủ đề: “Thanh niên Việt Nam tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chương trình đối thoại. Ảnh VPCP |
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Anh Bùi Thế Quyền, Chủ tịch Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại trên nền tảng số (EPC) bày tỏ: “Là một doanh nhân trẻ, tôi mong muốn được Thủ tướng Chính phủ chia sẻ các giải pháp của Chính phủ để số doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chí “Doanh nghiệp khoa học, công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tăng gấp 2 lần so với năm 2020 mà chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đề ra?”
![]() |
Anh Bùi Thế Quyền, Chủ tịch Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại trên nền tảng số đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại |
Giải đáp câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho hay, Việt Nam có thể gia tăng nhanh doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nòng cốt là sự tham gia của thanh niên. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, xem đây là “đột phá của đột phá”, hoàn thiện mạnh mẽ nhiều luật, nghị định.
Việc hoàn thiện thể chế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ mang tính cởi trói và khích lệ. Tiếp đó là giải pháp về hạ tầng, đặc biệt là công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương |
“Giải pháp đặc biệt quan trọng là về nguồn nhân lực. Chúng tôi đánh giá rất cao nguồn nhân lực trẻ, thanh niên hiện nay trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đào tạo nguồn nhân lực có 3 trụ cột chính là: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thu hút những người đã thành danh từ nước ngoài về làm việc để lan tỏa kinh nghiệm và kiến thức; đào tạo trong nước và kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo lao động có kỹ năng, kỹ thuật để sử dụng ngay. Hiện các trường đại học đã có chương trình đạo tạo lớn, mạnh mẽ trong đào tạo nhân lực vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết.
TS. Hoàng Anh Đức, đến từ Đại học RMIT bày tỏ băn khoăn, hiện nay, sinh viên và lực lượng có trình độ sau đại học theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt chưa nhiều. Trong khi đó, đây là nhóm đối tượng và lĩnh vực quan trọng để tham gia phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã và sẽ có những cơ chế, chính sách gì mang tính đột phá để có thể gia tăng nhiều hơn nữa đối tượng này theo học các lĩnh vực trên?
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, câu hỏi của bạn Hoàng Anh Đức là mối quan tâm rất xác đáng. Nói đến phát triển đất nước thì cần rất nhiều nhóm nhân lực và chúng ta phải khẳng định, mỗi nhóm nhân lực có một vai trò riêng, đều có đóng góp rất quan trọng. Những khối ngành trong lĩnh vực như sư phạm, y dược, quốc phòng, an ninh, luật, quản trị kinh doanh, tài chính… đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh VPCP |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, tỉ lệ nhập học của sinh viên tham gia vào các ngành học STEM và bậc đại học bình quân hằng năm từ 28-30%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở một số nước như ở Hàn Quốc 35%, Đức là 39%, Phần Lan 36%. Tỉ lệ của chúng ta không kém quá nhiều so với các nước có công nghiệp và kỹ thuật phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta có một trăm triệu dân. Tỉ lệ 30% trong số trong học sinh nhập học đại học hằng năm là 600.000 không phải quá nhỏ.
3 đột phá chiến lược
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của đất nước, con số này cần phải tăng mạnh hơn nữa. Trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cách đây vài tháng, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo bậc đại học có thể đạt đến 1 triệu sinh viên theo học khối ngành STEM. Khi con số này được công bố, các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia ít dân số, có nhiều bình luận tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phá triển các lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó rất nhiều chính sách sẽ được đưa ra để động viên, khuyến khích các bạn trẻ tham gia học các lĩnh vực này, bao gồm: Chính sách hỗ trợ học bổng cho người học, các chế độ khuyến khích cũng như các chế độ thu hút các chuyên gia ở nước ngoài vào làm việc. Đặc biệt quan trọng là sẽ có định hướng đầu tư phát triển các trường đại học bởi phải có môi trường đại học tiên tiến thì chúng ta mới có thể tạo ra cả số lượng và chất lượng.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ cùng đoàn viên, thanh niên |
Giải đáp băn khoăn của các bạn trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Muốn phát triển doanh nghiệp mạnh hơn, nhiều hơn, trước hết phải phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp phát triển, với một số nội dung quan trọng. Theo đó, Chính phủ thực hiện 3 đột phá chiến lược:
Thứ nhất, thể chế phải thông thoáng, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, phân cấp, phân quyền, làm sao để đăng ký doanh nghiệp đơn giản, chi phí tuân thủ giảm đi.
Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược vừa tạo không gian phát triển mới, vừa tạo giá trị gia tăng mới của đất đai, tạo các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch mới; đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng năng lượng… Tất cả điều này giúp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo nhu cầu phát triển doanh nghiệp.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, thích ứng với các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Ngoài ra, chúng ta đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế; cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân để phát triển; cùng với cơ chế, chính sách thì phải luật hóa.
![]() |
Đoàn viên, thanh niên tại chương trình đối thoại |
Với câu hỏi thứ hai, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta chưa phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực khoa học, trong đó các ngành khoa học cơ bản chưa phát triển đúng yêu cầu phát triển đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Do đó, ta phải có cơ chế, chính sách ưu tiên, như chính sách vinh danh, chính sách học bổng để các sinh viên, nghiên cứu sinh theo đuổi đam mê.
Tương tự như vậy với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, thể dục thể thao, văn hóa, công nghiệp giải trí. Tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho mỗi người theo đuổi đam mê, hoài bão, thế mạnh của bản thân; đồng thời, đào tạo đội ngũ giáo viên với tinh thần nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh – sinh viên là trung tâm.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta có 2 mục tiêu lớn là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Việt Nam vừa tăng 8 hạng trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, xếp thứ 46 toàn cầu, là mức cao nhất từ trước tới nay và cao thứ hai ở Đông Nam Á.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên

Lan tỏa sự nhiệt huyết, bản lĩnh và trí tuệ trong kỷ nguyên mới

Để tổ chức Đoàn đến gần hơn với thanh thiếu nhi…

Bản lĩnh cho người trẻ trên không gian mạng

Trang bị kiến thức, kỹ năng để thanh niên làm chủ công nghệ

Sứ mệnh thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hơn 11.000 câu hỏi gửi về diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ”

Thanh niên sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ

Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt và đối thoại với thanh niên 2025
