Điều tra vụ 50 container gỗ quý của Công ty Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm
Cảnh báo hiện tượng “mượn” xuất xứ đối với mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu |
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 diễn biến không phức tạp.
Các vụ bắt giữ chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, trị giá hàng vi phạm thấp được vận chuyển trái phép qua biên giới. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, đồ chơi trẻ em, gỗ, gia cầm, sản phẩm đông lạnh...
Tuy vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Trong tháng 7/2021, tuyến hàng không, bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy.
Trên tuyến biên giới tại các tỉnh như: Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh... tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi với số lượng ma túy bắt giữ lớn.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, Tổng cục Hải quan đã có công văn cảnh báo phương thức, thủ đoạn và tăng cường công tác kiểm soát, đồng thời thông báo 8 chất “ma túy mới” lần đầu phát hiện tại Việt Nam.
Tổng cục Hải quan điều tra, xác minh bổ sung việc nhập khẩu 50 container gỗ của Công ty TNHH Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: SGGP) |
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm soát hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch điều tra, xác minh bổ sung việc nhập khẩu 50 container gỗ của Công ty TNHH Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 1/2020, một lô hàng gồm 50 container gỗ được nhập khẩu về cảng SP-ITC TP HCM. Lô hàng này do Công ty TNHH Inbe Á Châu (Địa chỉ: 51 Nguyễn Xí, Phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) đứng tên mở các tờ khai, theo khai báo, hàng nhập khẩu là gỗ gõ xẻ hộp, chưa qua chế biến.
Nghi vấn lô hàng này, ngày 10/1/2020, tại cảng SP-ITC TPHCM, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP HCM) tiến hành khám xét phát hiện toàn bộ số gỗ chứa trong container là những khối gỗ lớn, có nguồn gốc từ Châu Phi.
Qua giám định tại hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng cho rằng, nhiều khả năng là gỗ giáng hương Tây Phi nằm trong danh mục CITES (thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm), khi nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành. Ước tính lô hàng khoảng 1.000 m3, trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật, để nhập khẩu gỗ giáng hương đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành của cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.
Được biết, Công ty TNHH Inbe Á Châu hiện tại đã tạm ngừng hoạt động. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Trung Hòa làm người đại diện pháp luật, có trụ sở tại tầng 8, tòa nhà Pearl Plaza, số 561A Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng chủ trì phối hợp với Cục Hải quan TP HCM, Cục Hải quan Đồng Nai khám xét và thu giữ 60 container gỗ quý nghi là gỗ giáng hương Tây Phi nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cát Lái.
Lô gỗ quý này đã về cảng Cát Lái (TP HCM) từ nhiều tháng nhưng doanh nghiệp từ chối, không làm thủ tục nhận hàng. Lô hàng nêu trên được nhập khẩu từ Châu Phi về TP HCM do một doanh nghiệp có địa chỉ tại Bình Dương đứng tên nhận hàng.
Tính từ 16/6-15/7/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 99 tỷ 536 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 23 tỷ 581 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 3 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ. |