Dịch bệnh và sứ mệnh gương mẫu của người trẻ
Những chiếc khẩu trang vứt vương vãi trên đường phố
Bài liên quan
Người dân Hong Kong (Trung Quốc) tự làm khẩu trang chống dịch Covid-19
Lo sợ dịch Covid-19, người dân đeo khẩu trang đi “giải cứu” tôm hùm
Sinh viên trở lại trường học: Cần tăng cường tuyên truyền để phòng dịch hiệu quả
Hải quan chỉ làm thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế khi có giấy phép
TP HCM: Lấy ý kiến phụ huynh về việc học sinh đeo khẩu trang trong trường
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng đến toàn xã hội. Thông tin thành phố Hà Nội thêm ca nhiễm số 17 được công bố vào đêm qua (6/3) cho thấy vấn đề văn hóa, ý thức, trọng trách của người trẻ trong việc gìn giữ cho bản thân, cộng đồng và toàn xã hội trở nên cấp thiết hơn hết bao giờ.
Bài 1: Chuyện từ chiếc khẩu trang
Dễ dàng bắt gặp nơi công cộng nhiều bạn trẻ vứt bừa bãi những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng. Hành động thiếu ý thức này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, còn tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh và gánh nặng xử lý rác thải.
Vứt bừa bãi khẩu trang ra đường phố
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam và diễn biến phức tạp trên thế giới, Nguyễn Hoàng Anh (25 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) coi khẩu trang y tế là vật bất ly thân. Điều này cũng không phải là hành động của riêng cậu mà còn của số đông mọi người.
Hoàng Anh chia sẻ, những ngày cuối tháng 2 vừa qua, cậu phải “bon chen” cả ngày ở một vài hiệu thuốc mới mua được 3 hộp khẩu trang y tế để cho bản thân và gia đình sử dụng phòng chống dịch Covid-19. Kể cả thời điểm này, khẩu trang y tế vẫn rất khan hiếm bởi nhu cầu sử dụng tăng cao khiến nhiều người khốn khổ vì có tiền cũng không mua được. Tuy nhiên, việc dùng xong rồi vứt bừa bãi ra môi trường cũng khiến nhiều người lo lắng, bức xúc không kém.
Hoàng Anh cho biết: “Tôi từng thấy hình ảnh khẩu trang y tế sử dụng một lần bị vứt ở lòng đường, vỉa hè, nhà chờ xe buýt hay một số điểm công cộng trên một số tuyến phố tại Hà Nội như: Hoàng Đạo Thúy, Đỗ Quang, Thái Hà, đường Giải Phóng, khu vực Linh Đàm… hay tại các ngõ hẻm.
Rác thải và những chiếc khẩu trang vứt vương vãi trên đường phố |
Bản thân tôi và nhiều người đi đường không khỏi rùng mình khi nhìn rất nhiều khẩu trang sử dụng một lần nằm chung với đống rác thải sinh hoạt ngồn ngộn tại một số điểm tập kết rác tự phát trên đường phố”.
Chị Hoàng Thu Hương (35 tuổi, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) ngao ngán khi nhìn thấy khẩu trang vương vãi ngoài đường. Chị Hương kể, trên đường đi làm, chị chứng kiến một nam thanh niên đi xe máy ném toẹt chiếc khẩu trang đã sử dụng xuống đường. Trên những tuyến đường sạch sẽ trong khu vực nội đô thỉnh thoảng lại thấy một vài chiếc khẩu trang màu xanh, trắng khiến cho con phố trở nên mất mỹ quan, nhếch nhác.
“Khẩu trang sử dụng xong rồi vứt bừa bãi thì làm sao phòng tránh lây lan dịch bệnh được. Nhìn cảnh ấy, tôi thật sự thấy buồn, có lẽ những người xả rác bừa bãi đó chưa ý thức được sự nguy hại của loại rác thải “đặc biệt” trong mùa dịch Covid-19”, chị Hương nói.
Đừng để “sai một ly, đi một dặm”
Theo chị Nguyễn Trà Lan (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vứt rác thải đúng nơi quy định là một nét văn hóa ứng xử nơi công cộng. Làm như vậy nghĩa là chúng ta tôn trọng cộng đồng, cũng chính là tôn trọng bản thân mình.
Khẩu trang đã qua sử dụng vứt tràn lan cùng rác thải |
Chị Trà Lan cho biết: “Sau khi sử dụng khẩu trang, tôi cho vào túi cột lại sau đó mới bỏ vào thùng đựng rác sinh hoạt. Tôi luôn mong muốn có được nét văn hóa trong ứng xử hàng ngày. Vì thế ngay từ những việc làm nhỏ, chúng ta đừng làm tổn hại đến chất lượng môi trường”.
Nhìn thấy không ít bạn trẻ vô tư vứt rác ra đường, có khi ăn xong ổ bánh mì xả luôn mảnh giấy, trước khi vào phòng, cởi khẩu trang quăng thẳng ra vệ đường… chị Nguyễn Trà Lan vẫn thường nhắc nhở bạn bè và đàn em của mình đừng làm như vậy. Bản thân chị luôn ý thức giữ rác cho vào thùng rác công cộng, chứ không thẳng tay vứt ra đường phố.
Chị Lan chia sẻ: “Nếu ai cũng nghĩ chỉ có một mảnh giấy nhỏ, chiếc khẩu trang không ảnh hưởng gì đến môi trường thì đến lúc rất nhiều người hành động như vậy, đường phố sẽ ngập rác và dịch bệnh từ đó mà ra. Hành động không văn minh như vứt rác, khạc nhổ ngoài đường sẽ tránh được nếu mỗi người có ý thức. Chúng ta cảm thấy xấu hổ với người xung quanh thì hãy đừng để những hình ảnh ấy in vào mắt người khác. Phòng dịch là nhiệm vụ hàng đầu của mọi người dân. Chúng ta đừng để “sai một ly, đi một dặm”.
Chị cho rằng, mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần có ý thức khi xả rác, không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mà cần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, sử dụng xong khẩu trang nên tìm nơi bỏ cho đúng.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, việc khẩu trang y tế sử dụng một lần rồi bị vứt ra đường phố không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguồn phát tán, lây nhiễm nhiều loại bệnh tật, trong đó có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Vứt khẩu trang ra môi trường có thể bị phạt từ 3 đến 7 triệu đồng:
Gần đây, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị xử phạt hành vi vứt khẩu trang bừa bãi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố.
Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt khẩu trang bừa bãi ra nơi công cộng như đường phố, vỉa hè, hệ thống thoát nước.. có thể bị phạt từ 3 đến 7 triệu đồng.
(Còn nữa)