Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam
80 bức ảnh quý trưng bày tại triển lãm kỷ niệm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" |
Đến dự chương trình có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đông đảo các văn nghệ sĩ.
Các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình |
Văn hóa đang từng bước thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943 đã khẳng định phải tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và cách mạng văn hóa tại Việt Nam, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc chương trình |
Việc xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), phát triển Văn hóa theo hướng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng là một tất yếu khách quan. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị - bằng lý luận tiền phong dẫn đường, Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã xác định nhiệm vụ Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Các tiết mục tại chương trình |
Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc; Văn hóa phải được đặt ngang hàng với Chính trị, Kinh tế. Nền Văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển Văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người - xây dựng con người để phát triển văn hóa.
80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản “Tuyên ngôn về văn hóa” đầu tiên này vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; Sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; Ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa; Các nguyên tắc vận động của văn hóa; Quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.
Mang sứ mệnh khai thông những mạch nguồn văn hóa của dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đề cao truyền thống đất nước, con người “sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang và nhân ái chan hòa”; thấm sâu vào trái tim của triệu triệu người yêu nước để “Ôi! Tổ quốc! Nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông"; Đến tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; Cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Văn hoá đang từng bước thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, cùng với mặt trận chính trị và kinh tế tạo thế “kiềng ba chân” góp phần đưa đất bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách vững bước vươn lên.
Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
Trong thời điểm hết sức có ý nghĩa này, toàn ngành Văn hóa Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; Sự ủng hộ, đồng hành của toàn thể các văn nghệ sĩ cùng nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.
Khẳng định dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật
Theo đó, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thông qua chương trình làm nổi bật giá trị những luận điểm cơ bản từ bối cảnh 1943, tiền đề quan trọng để văn hóa Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn với những điều chỉnh đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khẳng định những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ tham gia chương trình cùng tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" gồm 3 chương: Chương 1: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Chương 2: Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; Chương 3: "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".
Chương trình gồm những tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng, đặc biệt là quy tụ những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Mây...
Trong đó hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là "Ngọn đuốc soi đường" (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh), Văn hoá trường tồn cùng dân tộc (Trọng Đài) được dàn dựng khá ấn tượng và cũng là những điểm nhấn của chương trình. Tiết mục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Thể hiện ca khúc "Ngọn đuốc soi đường", nam ca sĩ Xuân Hào chia sẻ: “Ca từ trong "Ngọn đuốc soi đường" rất giản dị nhưng lại như có lửa, như một lời hiệu triệu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Được tham dự chương trình, mỗi nghệ sĩ, ca sĩ chúng tôi đều ý thức hơn về tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ”.
Thu An, cô gái tài sắc quê Ninh Bình đoạt giải Á quân Sao Mai 2022 chia sẻ: “Được tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt này, Thu An rất vinh dự và tự hào, xúc động và cũng rất hạnh phúc khi được mang lời ca tiếng hát lan tỏa tình yêu quê hương đất nước Việt Nam đến với mọi người”.
Với ý nghĩa đó, chương trình "Đề cương về văn hoá Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" đã đáp ứng được tiêu chí đặt ra của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức khi vừa mang tính chính luận, vừa có dáng dấp sử thi.
Điều này cho thấy, Tổng đạo diễn, NSND Trần Bình cùng ê kíp sáng tạo, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cùng các đơn vị phối hợp thực hiện đã rất nỗ lực cố gắng. Mỗi chương trong chương trình đều đã lựa chọn được những ca khúc để tạo nên điểm nhấn cho từng giai đoạn mang dấu ấn lịch sử như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá.