Công nhân trẻ bộn bề sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết, công nhân "hoảng hốt" vì giá thực phẩm leo thang
Bài liên quan
Tặng 200 suất quà Tết cho công nhân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Thanh Oai
Bài 3: Công nhân trẻ “ứng phó” với bão giá
Công nhân trẻ "tham công, tiếc việc" dịp nghỉ lễ
Công nhân trẻ và nỗi lo ốm đau, bệnh viện...
Thực phẩm đua nhau nhảy giá
Từ ngày mùng 29/1 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng), công nhân quê ở xa đã trở lại Hà Nội để bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, niềm vui với Tết đoàn viên chưa được bao lâu, về đến nơi ở trọ, họ lại đối mặt với nỗi lo mới, đó là giá cả thực phẩm tăng cao và dịch viêm phổi do virut corona có nguy cơ lây lan.
Thịt lợn tăng từ 160.000 đồng lên 180.000 đồng mỗi kg khiến nhiều công nhân trẻ lo lắng |
Phạm Văn Tân công nhân công ty TNHH New Hope tại khu công nghiệp Sài Đồng B cho biết, chiều ngày mùng 5 Tết, anh đi chợ mua đồ ăn để mời vài người bạn đến phòng trọ cùng ăn cơm chào mừng năm mới thì giật mình thấy mọi mặt hàng đều tăng cao chóng mặt. Nếu trước Tết mua thực phẩm cho 5 người ăn chỉ hết tầm hơn 300 nghìn đồng thì hiện tại, phải mất 500 nghìn đồng mới đủ.
Rau xanh tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết |
Tại chợ Thạch Bàn (quận Long Biên), giá thực phẩm tăng khoảng hơn 20% so với trước Tết. Cụ thể giá thịt lợn hiện có giá 180.000 đồng/1kg (trước tết là 160.000 đồng). Giá thịt bò cũng tăng từ 350.000 đồng lên 360.000 đồng/1kg. Cá tăng từ 70.000 đồng lên 90.000 đồng/1kg. Riêng rau xanh tặng mạnh từ 5.000 đồng lên 12.000 đồng/1 mớ. Các loại thực phẩm khác cũng đồng loạt tăng giá.
Không chỉ ở những quận nội thành có thực phẩm tăng giá, ở các chợ ven đô như chợ Mun, thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh), giá thực phẩm cũng tăng chóng mặt.
Mọi mặt hàng đều đua nhau nhảy giá |
Chị Nguyễn Thanh Tú làm ở công ty TNHH Linh kiện điện tử Sel, khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng giá thực phẩm lại tăng cao thế. Vì tiền tiêu trong dịp Tết hết nhiều, ra Tết, con cái lại đi học, tôi phải chắt bóp chi tiêu. Hy vọng giá thực phẩm sẽ hạ nhiệt trong một vài tuần tới, nếu không thì công nhân như tôi sẽ rất vất vả”.
Giá thực phẩm đã tăng, những quán cơm bình dân, hàng ăn sẵn theo đó cũng đua nhau nhảy giá. Ngoài phở bò, bún bò tăng thêm 5.000 đồng/1 bát thì bún riêu cua, bún ốc cũng đội giá lên gấp đôi. Chủ những cửa hàng này cho biết, giá tăng bởi thực phẩm đầu nguồn cao. Hơn nữa tầm này vẫn là tết, phải trả tiền người làm công cao nên giá được tính cả vào tiền hàng.
Công nhân đối mặt với nhiều nỗi lo
Trong tháng Giêng, khổ nhất là công nhân, viên chức, vì mọi thứ đều tăng trừ tiền lương vẫn không thay đổi. “Giá cả cái gì cũng tăng như thế này thì oải quá, Tết đã tiêu nhiều vượt cả tiền thưởng Tết rồi. Ra Giêng vừa lo sinh hoạt gia đình lại tiền học hành của con cái. Chắc tôi phải tính làm thêm, tăng ca mới đủ trang trải cuộc sống” - anh Đình Khương (Đông Anh) nói.
Người dân đang kì vọng vào việc giá cả các loại hàng hóa bình ổn trở lại để cuộc sống sinh hoạt không bị đảo lộn.
Trần Trung Thành, công nhân công ty cổ phần Văn Phòng phẩm Hồng Hà cho biết: “Về quê vài ngày quay trở lại khu trọ để chuẩn bị đi làm, tôi thấy giá cả thực phẩm tăng đến chóng mặt. Với việc tăng đến gần 30% như thế này, vừa lo cho con đi học, vừa lo sinh hoạt cho gia đình, lương 2 vợ chồng tôi chắc tằn tiện lắm mới đủ ăn. Mong rằng giá cả tăng thế này chỉ vài tuần sẽ trở lại như cũ”.
Nhiều gia đình công nhân trẻ cho con đi chơi ở những nơi công cộng đều phải đeo khẩu trang kín mít vì lo ngại dịch bệnh lây lan |
Không chỉ lo lắng về giá thực phẩm, nhiều gia đình trẻ cũng bày to sự băn khoăn vì dịch viêm phổi do virut corona. Chị Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: “Trong Tết tôi nghe nhiều về dịch viêm phổi lây nhiễm qua đường hô hấp nên cho con đi học trở lại tôi cũng thấy hơi lo ngại”.
Bên cạnh đó, hầu hết các bạn trẻ khi về Hà Nội để chuẩn bị đi làm trở lại, hầu hết đều có mối lo chung về dịch bệnh. Vì vậy họ hạn chế đến những chỗ đông người, nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, khi ra khỏi nhà, ai cũng dùng khẩu trang đi du xuân kín mít.