Cộng đồng mạng mê mẩn bánh Trung thu tái hiện làng quê Bắc bộ
Về Thanh Trì thưởng thức bánh Trung thu truyền thống đạt chứng nhận OCOP 3 sao Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu |
Trong bài đăng khoe bánh trên một hội nhóm yêu bếp, Dương cho biết: “Mình sinh ra ở một làng quê Bắc bộ. Những hình ảnh mái ngói, sân gạch, bờ tường rêu phong, cây cau trước nhà... đã trở thành hồi ức không bao giờ mình quên được. Dù cho quá khứ có cơ cực thế nào, có thiếu thốn trăm bề ra sao, mình sẽ vẫn giữ mãi những kỷ niệm đó và sẽ dùng chút sức nhỏ bé này lưu giữ mãi về sau".
Bộ bánh Trung thu "Hồi ức" khiến cộng đồng mạng mê mẩn. Ảnh FbNV |
Lấy cảm hứng từ những sản phẩm tiểu cảnh quen thuộc, Dương sử dụng nguyên liệu làm bánh Trung thu để tái hiện lại khung cảnh thơ ấu. Chiếc bánh đặc biệt này vẫn được làm từ những nguyên liệu thông thường. Tuy nhiên, phần vỏ bánh được cô gái trẻ dùng nước đường trắng theo công thức vỏ bánh nướng hiện đại để có thể điều khiển màu sắc cho sinh động, với nhiều sắc độ khác nhau. Về nhân bánh, Dương sử dụng đậu xanh cho dễ tạo hình. Mọi chi tiết đều được cô gái trẻ nặn thủ công.
Từng chi tiết được làm tỉ mỉ, chân thực. Ảnh FbNV |
Đây cũng là thử thách rất lớn, đòi hỏi Dương phải tỉ mỉ, kiên trì. “Bánh nướng xong nào gãy nào cong, nhiều khi mình cũng nản. Tuy nhiên, khi mở mấy hình mà mình sưu tầm về nhà cổ Bắc bộ là lấy lại tinh thần. Làm xong mới thấy các cô chú làm mô hình tiểu cảnh sao mà giỏi vậy, mình làm có một cái thôi đã muốn ngất xỉu rồi”, Dương chia sẻ.
Dồn hết tâm hết tâm huyết vào tác phẩm nên thành quả cô gái 9x đến từ Tuyên Quang này nhận lại cũng rất ngọt ngào. Bộ bánh Trung thu với tên gọi “Hồi ức” chân thực, tinh sảo đến từng chi tiết với cây đa, giếng nước, bụi chuối… Đó là hình ảnh đầy cảm xúc của làng quê Bắc bộ xưa trong ký ức của nhiều người.
Chiếc bánh được Nguyễn Thị Thùy Dương làm hoàn toàn thủ công |
Khi được đăng tải hình ảnh trên faceook, bánh Trung thu “Hồi ức” về làng quê Bắc bộ của Dương khiến cộng đồng mạng mê mệt. Hơn 5 nghìn bình luận đều dành lời khen cho sự sáng tạo và khéo léo của cô gái trẻ.
Bạn trẻ Quang Vinh viết: “Đẹp như một bức tranh vậy, có thể cho thật nhiều đường để đóng tủ kính bảo quản nó lâu hơn được không, chứ đẹp không nỡ ăn”.
“Trời đất không thể thể tin nổi, từng góc cứ y hệt nhà bà ngoại mình hồi xưa”, bạn Nguyễn Kim My chia sẻ.
“Chiếc bánh xuất sắc thế này không nỡ ăn, bạn không phải thợ làm bánh mà là một nghệ nhân”, bạn Nhật Quang bày tỏ.
Chiếc bánh gợi nhớ ký ức tuổi thơ của nhiều người. Ảnh FbNV |
Nhiều bạn trẻ khác nhận xét, chiếc bánh không chỉ chứa đựng hương vị thơm ngon mà còn là sự kết hợp hoàn hảo của màu sắc và hình thức, đẹp đến nỗi khiến ai cũng mải mê ngắm nhìn.
Đằng sau vẻ ngoài tinh xảo ấy, là cả một bầu trời tuổi thơ ùa về, khiến bất kỳ ai ngắm nhìn cũng bất giác cay mắt. Bánh Trung thu "Hồi ức" của Dương không chỉ là một thức quà của mùa trăng tròn mà còn là chiếc chìa khóa mở ra khoảng trời ký ức, nơi những hình ảnh đẹp đẽ của làng quê Bắc bộ cứ thế tràn về trong tâm hồn mỗi người. Điều đó khiến mỗi người thêm yêu quê hương, muốn được trở về sum vầy với người thân hơn.
Những chiếc bánh khác được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của Thùy Dương |
Dương sinh ra ở vùng quê Hàm Yên (Tuyên Quang) và đang sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ bỏ công việc có thu nhập tốt và khá ổn định ở ngân hàng, cô gái trẻ theo đuổi niềm đam mê làm bánh và được nhiều người biết đến bởi sự sáng tạo khi làm ra những sản phẩm độc đáo. Thay vì làm bánh trung thu có hình tròn hay vuông truyền thống, Dương mày mò học hỏi và nghiên cứu kỹ lưỡng cách làm bánh cổ truyền từ các nghệ nhân lành nghề để có những sáng tạo của riêng mình.
Chính sự sáng tạo và khéo léo của Dương đã thổi một làn gió mới vào những chiếc bánh Trung thu vốn quen thuộc. Cô gái trẻ đã kết hợp khéo léo những hình ảnh thân thương trong văn hóa Việt như chú bé chăn trâu, mái đình, cây đa... để tạo ra những sản phẩm bánh độc đáo. Vì thế những chiếc bánh không chỉ là thức quà mỗi mùa Trung thu về mà còn làm sống lại ký thức tuổi thơ của nhiều người khiến họ thêm yêu văn hóa truyền thống của người Việt.