Cổng dịch vụ công quốc gia: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ thực hiện nghi thức bấm nút khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tại Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố Dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (Ảnh: Quang Hiếu) |
Cổng dịch vụ công quốc gia cũng hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ trong cung cấp dịch vụ công là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công…
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo lộ trình thực hiện của Chính phủ, trong năm 2019 tiến hành kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công Quốc gia với cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử các Bộ, ngành, địa phương để thí điểm cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến như: Cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế, thông báo thực hiện khuyến mại, đăng ký hoạt động khuyến mại, cấp điện mới từ lưới điện trung áp, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp....Trong năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu và sau năm 2020 tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương.
Chị Vũ Hương Giang, Giám đốc công ty Hà Nội trẻ, cho biết: “Sau khi đăng ký thành công tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cán bộ, công nhân viên trong công ty khám phá được nhiều dịch vụ công rất thiết thực liên quan đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Chúng tôi có thể được thực hiện trực tuyến mà không cần phải đến cơ quan nhà nước. Điều này giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, khắc phục những hạn chế trước đây, đặc biệt là giảm tình trạng nhũng nhiễu, nâng cao tính minh bạch”.
Theo anh Nguyễn Định Thi, chủ một doanh nghiệp tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết thêm, sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy nhiều lợi ích từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Với tài khoản được đăng ký, cá nhân/tổ chức có thể theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ thủ tục hành chính không thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, của Bộ, ngành, địa phương.
Được hỗ trợ truy vấn thông tin của cá nhân, tổ chức lưu trữ tại các Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm… Việc thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố chỉ cần khai báo 1 lần trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; dịch vụ công. Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Trước kia việc đăng kí kinh doanh, thuế, bảo hiểm… hay đơn giản đăng kí xe cũng là nỗi sợ của nhiều người bởi thời gian chờ đợi lâu và nhiều giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, khi có Cổng dịch vụ công trực tuyến những điều lo lắng đó không còn. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính”, anh Nguyễn Định Thi chia sẻ.
Hơn nữa, trong quá trình tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước hoặc cán bộ thi hành công vụ, người dân có quyền phản ánh những vướng mắc, khó khăn trực tiếp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn tránh tình trạng sách nhiễu của một số cán bộ. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo động lực, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Sau hơn tám tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và tám ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến.
Hiện có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; hơn 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, hơn 260.000 hồ sơ được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỉ đồng/năm, trong đó Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỉ đồng/năm.
Sự phát triển của Cổng dịch vụ công quốc gia rõ ràng đã mang lại những kết quả rất đáng mừng. Chắc chắn thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ còn nhận được sự hỗ trợ tốt hơn với những tiện ích không ngừng tăng lên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành…
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |