Cô giáo trẻ tranh thủ soạn bài khi tình nguyện hỗ trợ tâm dịch
Cô giáo trẻ Lâm Thị Ngọc Linh bày tỏ nỗi lo học sinh nhỏ tuổi sẽ khó tập trung nghe giảng; Hơn nữa, các bé lớp 1 như trang giấy trắng, đọc, viết rất khó mà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giáo viên thì không thể ở bên cầm tay, hướng dẫn các con.
Cô Lâm Thị Ngọc Linh, giáo viên trường Tiểu học An Hạ tham gia chống dịch Covid-19 cùng các giáo viên khác |
Ba tháng trước, cô giáo Ngọc Linh bắt đầu tham gia nhập liệu mẫu xét nghiệm Covid-19. Cô giáo trẻ cho biết: “Ban đầu, mình có chút đắn đo khi tham gia tình nguyện, nếu bị mắc Covid-19 sẽ có khả năng lây cho gia đình”. Tự trấn an bản thân, cô giáo trẻ phân tích bản thân đã tiêm vaccine mũi 1 thì có thể giảm thiểu khả năng nhiễm nCoV. Cô Linh vững tâm hơn vào quyết định của mình, mong muốn giúp sức cùng cộng đồng chống đại dịch.
Hôm 5/9, cô Lâm Thị Ngọc Linh cùng 5 thầy cô giáo hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu tại điểm test Covid-19 cộng đồng ở xã. Lúc nghỉ ngơi, xem bức ảnh khai giảng năm ngoái được Facebook và Zalo nhắc lại, cô Linh lại nhớ học sinh. Mọi năm vào ngày này, cô giáo lớp 1 dậy sớm, mặc áo dài đến trường để chuẩn bị đón học trò. Sau lễ khai giảng, các em ra về, còn giáo viên ở lại họp mặt đầu năm. Năm nay thay vì mặc áo dài đến trường đón năm học mới, cô lại mặc đồ bảo hộ đi chống dịch.
Cô Linh tình nguyện hỗ trợ điểm tiêm vaccine, nhập liệu, điều phối và đi chợ hộ từ giữa tháng 7/2021. Ban đầu, gia đình không đồng ý vì nguy cơ lây nhiễm nhưng sau khi được thuyết phục, ba mẹ cô đã ủng hộ. Để giữ an toàn cho người thân, cô cùng nhóm giáo viên không về nhà mà ở lại trường Tiểu học An Hạ.
Cô Lâm Thị Ngọc Linh, giáo viên trường Tiểu học An Hạ quyết tâm tham gia chống dịch Covid-19 |
Những ngày đầu, chưa quen lịch làm việc từ 7h30, có hôm kết thúc lúc 20h, cô Linh mệt mỏi, toàn thân đau nhức. "Vượt lên tất cả, mình nghĩ đã được tiêm đủ vaccine, còn trẻ khỏe, phải tham gia để dịch mau chấm dứt, thầy trò mới có thể đến trường", cô giáo chia sẻ.
Đi tình nguyện nhưng cô Linh vẫn mang theo sách giáo khoa lớp 1 và máy tính. Ngày chống dịch, đêm về cô soạn bài, lên kế hoạch thiết kế bài giảng. "Tôi soạn bài giảng trình chiếu có nhiều hình ảnh sinh động, sau đó nhờ phụ huynh quay clip các bé đọc bài, viết bài rồi chụp hình gửi giáo viên chấm. Tôi vẫn đang tham khảo thêm phương pháp khác để giúp các học sinh nhỏ tuổi dễ tiếp thu nhất", cô nói.
Ngày 20/9 tới, học sinh tiểu học TP HCM bắt đầu học trực tuyến. Từ đầu tháng 9, cô Linh đã nhận lớp 34 học sinh, có buổi gặp gỡ phụ huynh để nắm bắt tình hình. Lớp có hai học sinh liên quan đến ca Covid-19, trong đó một trường hợp đã cách ly về, một em đang điều trị cùng gia đình tại bệnh viện. Một số hộ khó khăn, không đủ điều kiện cho con học trực tuyến. Phụ huynh phải đi làm cả ngày, không ai hướng dẫn con học.
Trong buổi họp phụ huynh sắp tới, cô Linh dự kiến trao đổi, linh động thời gian theo phụ huynh để có lịch học phù hợp. Cô giáo 25 tuổi cho biết, năm ngoái sách giáo khoa mới, chương trình nặng, lớp lại đông (45 học sinh) khiến cô khá vất vả và mất thời gian làm quen. Năm nay đã quen chương trình nhưng cô, trò chưa gặp nhau.
Cô giáo trẻ có chút lo lắng khi phải dạy online cho học sinh lớp 1 ngay từ đầu. "Sắp tới vào dạy chính thức, tôi sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia chống dịch. Nếu sáng có tiết dạy, chiều tôi sẽ đi hỗ trợ các điểm, còn tối thì chấm bài", cô cho hay.
Cô giáo Lâm Thị Ngọc Linh chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh những năm trước đó |
Công việc vất vả, các tình nguyện viên luôn nhận được sự yêu quý của người dân. Cô Linh chia sẻ: "Các cô chú hay tiếp tế đồ ăn, trà sữa cho bọn mình lắm".
Kể về kỷ niệm đẹp nhất trong lúc tham gia hỗ trợ chống dịch, cô giáo trẻ cho biết: “Mình nhớ nhất hôm tiêm cho người trên 65 tuổi có một số cô chú không biết viết phiếu hoặc không biết ghi như thế nào dù đã được hướng dẫn. Lúc đó tầm 2 giờ chiều, thời tiết rất oi bức, mình hỗ trợ các cô, chú viết. Có một cô thấy mình ngồi nắng nên đưa nước và khăn giấy, hỏi mình cực lắm hả con, cố gắng giúp cô chú nha con!”.
Năm học mới của bậc tiểu học chuẩn bị bắt đầu, cô giáo trẻ chia sẻ, sẽ sắp xếp thời gian để vừa dạy online vừa tham gia tình nguyện. “Mình phải cố gắng vì hết dịch học sinh mới được đến trường, mọi thứ trở lại như cũ. Học sinh hay mượn điện thoại của ba mẹ để nhắn tin cho mình. Các bạn bảo con nhớ cô quá, khi nào được đi học lại vậy cô”, cô giáo trẻ Ngọc Linh bày tỏ.
Nguyễn Thanh Bình - Đài Truyền thanh huyện Bình Chánh, TP HCM