Cô gái trẻ truyền thông điệp bảo vệ môi trường từ dòng sông ô nhiễm
Hoàng Thị Tước
Bài liên quan
Cống hiến cho tâm hồn đẹp, tinh thần thép
Hiến kế phát triển Hội trong cách mạng 4.0
Tước tốt nghiệp loại giỏi khoa Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương, nay làm việc tại Tập đoàn ABB của Thụy Sĩ và Thụy Điển. Tước kể, cô biết tới cuộc thi viết về Di sản văn hóa châu Âu qua trang Facebook European Union in Vietnam. Cô gái rất thích theo dõi trang Facebook đó vì thời gian trước từ nguồn tin này, cô từng giành được một giải thưởng cuộc thi đố vui (Quiz Game) do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức.
“Mình nộp bài dự thi khá sớm so với thời hạn nhận của Ban tổ chức. Sau đó, mình luôn mong chờ từng ngày những thông tin cập nhật về cuộc thi này. Đã có khoảng thời gian nghĩ nhiều tới cuộc thi đến nỗi đêm mình cũng nằm mơ về nó.
Mình biết rằng, cuộc thi có rất nhiều bạn trẻ tham gia – những người nhiệt huyết và khao khát đoạt giải như mình vậy, cho nên sức cạnh tranh cũng rất lớn”. Khi nhận thông báo bài viết của mình lọt Top 10 trong gần 1.000 bài dự thi, mình thật sự bất ngờ và càng hi vọng nhiều hơn vào cơ hội đoạt giải”, Tước chia sẻ.
Thế rồi, niềm vui vỡ òa cũng đến với cô gái trẻ thông minh. Kết quả chính thức Tước đoạt giải cuộc thi đã được Ban tổ chức thông báo. “Mình từng tưởng tượng nếu đoạt giải sẽ ngay lập tức hò reo vui mừng với mọi người xung quanh, vậy mà giải thưởng đó đã đến thật và khi đón nhận thông tin ấy, mình chỉ yên lặng nghe điện thoại, nói lời cảm ơn Ban tổ chức, bởi có quá nhiều cảm xúc đan xen. Phải đến khi bình tĩnh trở lại mình mới reo lên sung sướng với chính bản thân. Một cảm xúc hỗn độn nhưng hạnh phúc vô cùng”, cô gái bày tỏ.
Tước viết bài dự thi chủ đề Di sản văn hóa châu Âu với nội dung về dòng sông Farset của nước Anh đã bị lấp lại thành cống ngầm do ô nhiễm. Hoàng Thị Tước cho biết, cô từng đọc lịch sử của Anh về con sông này và ấn tượng mạnh bởi nó giống sông Tô Lịch ở Việt Nam.
“Có lẽ người Hà Nội ai cũng rõ câu chuyện buồn từ dòng sông Tô Lịch và sông Farset cũng vậy. Khi bắt gặp sông Farset trong lịch sử nước Anh, mình cảm thấy như gặp được một sự đồng cảm, sẻ chia. Dù là công dân Anh hay công dân Việt Nam, những người như mình, thuộc thế hệ trẻ cũng đang trăn trở về sự biến mất của những di sản thiên nhiên do tác động của con người. Đây chính là nguồn cảm hứng để mình viết bài dự thi”, Tước cho hay.
Khi bắt đầu viết tác phẩm, Hoàng Thị Tước băn khoăn rằng, liệu có nên viết về sông Farset hay không, bởi nó là câu chuyện không vui. Cô nghĩ, chắc hẳn khi nói về châu Âu, mọi người sẽ chủ yếu nhìn vào những điều hay, cái đẹp để khuyến khích thế hệ trẻ hướng theo đó. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng của Tước vẫn viết về dòng sông Farset. Bởi cô không chỉ muốn chia sẻ nỗi trăn trở về thiên nhiên, mà còn mong mọi người có thể hiểu được rằng, ai cũng ưa chuộng cái đẹp nhưng biết tiếc nuối cái xấu và sửa chữa nó mới là giá trị cốt lõi của con người. Khi tham gia cuộc thi này, Tước không nghĩ nhiều đến giải thưởng là gì mà quan trọng hơn bởi sự cảm nhận, trăn trở của bản thân đối với thế giới xung quanh, đặc biệt là châu Âu. Cô mong muốn được truyền thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người.
Viết tác phẩm dự thi khiến Tước nhớ tới kỉ niệm lần đầu tiên nhìn sông Tô Lịch với dòng nước đen ngòm, bốc mùi, ô nhiễm. Hoàng Thị Tước không dám tin vào sự thật bởi nó khác hoàn toàn với truyện cổ tích “Đồng tiền Vạn Lịch” mà cô đã đọc, trong đó miêu tả sông Tô Lịch rất đẹp, rộng lớn, bên cạnh là vùng đất sầm uất. Cô gái mang hi vọng những quốc gia khác sẽ thấy bài học từ sông Tô Lịch, sông Farset để rút kinh nghiệm và phát triển đất nước của họ theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Những trăn trở và ý nghĩ sâu sắc, nhân văn của cô gái trẻ gói gém trong tác phẩm đã chinh phục Ban giám khảo cuộc thi viết về Di sản văn hóa châu Âu. Hoàng Thị Tước vượt qua cả nghìn tác giả, tác phẩm khác giành giải Nhất cuộc thi. Chuyến đi châu Âu miễn phí đã trong tầm tay của cô gái trẻ.
Với giải thưởng từ cuộc thi, Hoàng Thị Tước đến thăm nước Ý và thành phố Matera – một trong hai Thủ đô văn hóa của châu Âu năm 2019. Cô gái hào hứng chia sẻ: “NướcÝ là nơi lưu giữ nền văn minh La Mã cổ đại . Đây là điểm đến lý tưởng, để tìm hiểu về văn hóa và vẻ đẹp của phương Tây”.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019