"Chuyện nhặt" về văn hóa ứng xử mùa dịch - Bài 3: Dậy tập thể dục lúc... nửa đêm
Xử phạt 4 người đi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm Không có việc làm, nhóm người trốn ra tập thể dục ở nghĩa trang Đồng loạt ra quân yêu cầu người tập thể dục tuân thủ quy định phòng, chống dịch |
Tập thể dục cũng cần đúng thời gian, không gian
Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Yến, nhân viên truyền thông của một công ty đào tạo ở Hà Nội khi kể về “chuyện lạ” có thật tại Khu đô thị Hồng Hà, Tứ Hiệp, Thanh Trì, nơi chị sinh sống. Chị kể: “Gần nhà tôi có một hồ điều hòa và cũng khá nhiều cây xanh. Vì tương đối sạch sẽ, lại thoáng mát nên người dân xung quanh vẫn có thói quen ra đây tập thể dục vào mỗi sáng và chiều tối. Đó còn là nơi chứa đựng biết bao buồn vui của cả khu phố mà chúng tôi sinh sống.
Khi thành phố có chỉ đạo siết chặt công tác phòng chống dịch, không cho tụ tập nơi công cộng, tôi còn nhớ rất rõ dáng của bác tổ trưởng, vừa cầm loa tay, vừa hò hét, đi xua từng người đang tập thể dục về nhà: "Không ra đường một ngày có chết không? Không tập thể dục một ngày có chết không mà cứ đổ xô ra đường thế? Các bác, các anh, các chị về nhà làm gương cho con cháu đi nào". Sau đó, đâu lại vào đấy, khi bác tổ trưởng đi khuất là họ lại lẻn ra ngay. Bình thường mọi công tác của khu phố đều được bác tổ trưởng lo “chu toàn” nhưng nghe giọng của bác nhắc nhở về việc không tập thể dục, tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh này dường như có phần thực sự bất lực.
Vẫn biết bảo vệ sức khỏe là tốt nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, mỗi người hãy vì mọi người, vì cộng đồng |
Bác bảo, lúc đầu mới tuyên truyền thì ai cũng ủng hộ nhưng chỉ một, hai cá nhân bất chấp lệnh cấm vẫn đi tập thể dục thì người khác thấy lại tị nạnh, bảo sao anh này anh kia đi mà tôi không được đi. Đã không bảo ban nhau thì thôi lại còn mang ra mà tị nạnh. Lại có người dân biện minh với bác rằng: “Tôi khỏe mới ra đường, mới đi tập thể dục chứ có phải có triệu chứng ho sốt gì đâu mà sợ lây người khác. Bác cứ kệ tôi, có bệnh tôi chịu”.
Chị Nguyễn Ngọc Trang – Sống tại NƠ4, Khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai - một người bạn của tôi cũng kể rằng, mấy hôm nay, các bác trong ban quản trị tòa nhà khu đô thị nơi chị sống rất vất vả, suốt ngày tuần tra ngoài công viên của khu để nhắc nhở người dân không tập thể dục.
Chuyện là, khi chưa cấm, ở đây có hẳn một đội các bà các chị tụ tập vào mỗi sáng để tập nhảy với nhau. Bình thường khi đi thể dục chị hay quan sát thấy nhóm này tập nhiều động tác hay, thu hút khá nhiều người, mỗi ngày một đông vì cư dân trong cộng đồng giúp nhau có sức khỏe là rất tốt. Thời gian giãn cách, họ dừng tụ tập nhưng có một số thành viên vẫn lén lút rủ nhau đi vào chỗ ít người qua lại để tập nhảy và thể dục cùng nhau.
Một bác bảo vệ tòa nhà bảo, mệt lắm, ngày nào cũng phải nhắc nhở. Cứ nhắc xong họ đi nhưng vừa đi khỏi là họ quay trở lại. Ngày nào cũng như ngày nào, bác cũng phải dạo mấy vòng trong công viên của khu để nhắc nhở. Bác bảo, không hiểu người dân suy nghĩ như thế nào nữa. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thành phố cấm tụ tập là có lý do chứ không phải tự nhiên cấm nhưng một bộ phận người dân vẫn rất thờ ơ, chủ quan.
Yêu Hà Nội, hãy biết vì Hà Nội
Lại có chuyện, ban ngày nghiêm chỉnh ngồi nhà, 3 giờ sáng rủ nhau đi tập thể dục. Mới nghe xong tưởng là hài hước nhưng đó lại là chuyện có thật một trăm phần trăm ở Hà Nội.
Dường như chỉ thị cấm tụ tập đông người, ở yên tại nhà và hạn chế ra đường chỉ có tác dụng vào ban ngày. Bởi chẳng ai ngờ nửa đêm về sáng, nhiều người dân lại tập trung đông “vui như hội” để tập thể dục với lý do cho khỏe người.
Trên báo chí và mạng xã hội những ngày gần đây liên tục chia sẻ những hình ảnh các “bô lão” dậy sớm kéo nhau đi tập thể dục lúc 10h đêm, có người dậy ra đường lúc 3h sáng. Đúng là cũng thật khó hiểu cho những hành vi này. Tập thể dục vào khoảng thời gian này rõ ràng là không tốt cho sức khỏe, phải đeo khẩu trang rất khó chịu, lại còn nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong khi đó họ hoàn toàn vẫn có thể tập thể dục ở nhà nếu muốn.
Khi người dân Thủ đô đang đồng sức, đồng lòng để dập dịch Covid-19, nhiều người vẫn không tuân thủ các quy định phòng dịch, nửa đêm vẫn ra ngoài đường tập thể dục |
Câu chuyện bất chấp lệnh cấm, một số người dân Hà Nội vẫn ra đường tập thể dục thì đợt giãn cách nào cũng “nóng”, báo chí phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Việc xử phạt cũng đã có quy định rồi, tuy nhiên có những chuyện chúng ta chỉ cần ý thức một chút, biết vì người khác một chút thì đỡ được cho bao nhiêu người.
Ngày 22/9, 4 phụ nữ đã bị lực lượng chức năng phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xử phạt 8 triệu đồng vì đi tập thể dục, dắt chó đi dạo tại hồ Hoàn Kiếm. Họ trình bày rằng, họ đi tập thể dục cho vui vẻ vì nghĩ thành phố đã nới lỏng giãn cách, đã hết dịch.
Nghĩ kể cũng lạ, giữa một quận trung tâm bậc nhất của Thủ đô, công nghệ 4.0 rồi thông tin tuyên truyền dày đặc lại phạt vì một lý do thật “ngây ngô”. Thế mới biết, trong cuộc sống ý thức văn hóa và sự hiểu biết quan trọng như thế nào.
Dẫu biết ở yên trong nhà là chuyện không ai mong muốn, đi ra đi vào buồn chán, dễ cuồng tay chân nên ai cũng có nhu cầu ra ngoài hít thở không khí, đi dạo, tập thể dục cho thoải mái. Thế nhưng trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như thế này, nếu ai cũng tự do di chuyển, tụ tập vui chơi thì biết đến chừng nào dịch mới được dẹp yên?
Vì vậy, thay vì than ngắn thở dài, tìm đủ mọi cách để ra ngoài bất chấp lệnh cấm, không gian và thời gian thì hãy tìm những niềm vui nho nhỏ ở trong nhà. Đó có thể là những việc trì hoãn bấy lâu chưa làm được, sửa soạn lại căn phòng cho sạch sẽ và ngăn nắp hơn, đọc những cuốn sách hay, tham gia các khóa học online hay có thể viết nhật ký mùa dịch, nghe sách nói... Chỉ cần biết nghĩ cho cộng đồng, tuân thủ chỉ thị của thành phố thì việc ở nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Mặc dù biết rằng việc tập thể dục nâng cao sức khỏe là tốt và trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay điều này vẫn cần thiết nhưng là ở nhà và với các hình thức khác nhau chứ không phải ở nơi công cộng, ngoài đường như vẫn xảy ra ở Hà Nội trong những ngày qua. Ai cũng biết, nâng cao sức khỏe là quan trọng nhưng sức khoẻ của cả cộng đồng còn quan trọng gấp nhiều lần. Đừng vì một mong muốn của cá nhân mà ảnh hưởng đến chiến dịch phòng dịch của cả Thủ đô. Người Hà Nội, yêu Hà Nội thì hãy biết vì Hà Nội.
(Còn nữa)