Chỉ số PAPI 2020: Dịch vụ công giúp giảm tình trạng nhũng nhiễu tại các cơ quan nhà nước
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS của thành phố Hà Nội cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI trên 8 lĩnh vực |
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 được khảo sát từ 14.732 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. PAPI năm 2020 tiếp tục gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Các diễn giả chia sẻ tại buổi công bố |
Theo báo cáo PAPI, điểm của 3 chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “cung ứng dịch vụ công”, “quản trị môi trường” sụt giảm nhẹ so với kết quả năm 2019. Hai chỉ số nội dung có xu hướng thay đổi tích cực gồm “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “thủ tục hành chính công”.
Cụ thể, ở Chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, báo cáo PAPI chỉ ra rằng, điểm tiến bộ là có tới 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019 (chỉ có 6 tỉnh có mức sụt giảm đáng kể so với năm 2019). Còn với chỉ số nội dung “thủ tục hành chính công”, có 9/16 tỉnh, thành phố dẫn đầu ở phía Bắc, 7 ở phía Nam.
Về trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, tần suất tiếp xúc giữa công dân và chính quyền ở cấp thôn, tổ dân phố và với Hội đồng Nhân dân cấp xã năm 2020 cao hơn so với năm 2019. Những nỗ lực đó có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Một số nghiên cứu trước và phân tích trong báo cáo này cho thấy giữa quản trị tốt và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh có mối tương quan tích cực với nhau.
Hiệu quả huy động người dân tham gia vào quản trị công ở địa phương cứ tăng lên một điểm thì mức độ sẵn sàng tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc nhằm ứng phó với Covid-19 hồi tháng 4/2020 tăng lên 3,1 điểm phần trăm và hiệu quả kiểm soát tham nhũng, cứ tăng lên một điểm phần trăm thì mức độ tuân thủ với biện pháp mạnh này tăng lên 1,5 điểm phần trăm.
Mặc dù vậy, báo cáo PAPI 2020 cũng chỉ ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự chú ý và giải quyết của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương là một vấn đề cần củng cố. Sự tham gia quản trị địa phương của các nhóm dân cư là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn hạn chế.
Một nội dung đáng chú ý là số người trả lời cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 18%) trong khảo sát năm 2020. Mặc dù vậy, kết quả so sánh với năm 2019 cho thấy tỷ lệ này có xu hướng giảm (năm 2019 là hơn 24%). Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường cũng giảm xuống trong năm 2020 khi chỉ còn hơn 4% (năm 2019 là gần 9%).
Cũng theo báo cáo PAPI, vấn đề di cư đang trở thành mối quan tâm lớn ở Việt Nam, vì các lý do: Sinh kế (yếu tố kinh tế), tác động của biến đổi khí hậu… Hai địa điểm được ưa chuộng nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Có tới 22% số người trả lời chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi họ mong muốn chuyển đến, gấp đôi so với tỷ lệ mong muốn di chuyển tới Hà Nội; Tiếp đó lần lượt là tỉnh Lâm Đồng (5,6%), thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ (5%)… Các chuyên gia nghiên cứu PAPI khuyến cáo, chính quyền địa phương cần hiểu rõ động cơ thúc đẩy người dân địa phương di cư và chủ động cung cấp những thông tin cần thiết cho người dân.
Kết quả công bố cho thấy, phần lớn các tỉnh trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở Chỉ số PAPI 2020 tổng hợp tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các tỉnh trong nhóm thấp nhất tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghiên cứu PAPI trong 12 năm qua đã góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ của Nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và chất lượng giải trình của các tổ chức công.
Trong thời gian tới, hy vọng PAPI tiếp tục cung cấp những dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, đóng góp đáng kể và đổi mới tư duy hướng tới quản trị công hiện đại, đổi mới chính sách dựa trên những dẫn chứng, thực tiễn.
Tổng số điểm Chỉ số PAPI năm 2020 của Hà Nội đạt 41,629/80 điểm. Trong đó, Chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,059 điểm/10 điểm; “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” đạt 5,244 điểm/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,812 điểm/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,598 điểm/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,169 điểm/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 6,870 điểm/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 2,959 điểm/10 điểm; “quản trị điện tử” đạt 2,918 điểm/10 điểm. Dù tổng số điểm của Hà Nội có tăng so với năm 2019, tuy nhiên với kết quả này, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất.