ChatGPT có là mối đe dọa với ngành giáo dục và truyền thông?
ChatGPT làm mưa làm gió trong giới trẻ ChatGPT đạt 100 triệu người dùng, tăng trưởng nhanh hơn cả TikTok |
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, giáo dục và truyền thông sẽ là hai ngành chịu tác động mạnh nhất của ứng dụng chatbot dùng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Đánh giá về tác động ChatGPT đến hoạt động kinh doanh, xã hội, cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm. Dù vậy, các công nghệ và sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT sẽ thay đổi đáng kể một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành có nhu cầu cần tạo ra nhiều nội dung, như giáo dục hay truyền thông, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác.
Giáo dục: Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ
Với sự ra mắt của ứng dụng ChatGPT, nhiều người đã náo nức trải nghiệm với ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo và số đông đều có chung cảm xúc: ngạc nhiên thích thú, ngỡ ngàng nể phục, băn khoăn về tương lai… Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại về sự rủi ro hay những ngành nghề sẽ mất vai trò như hiện tại khi trí tuệ nhân tạo ứng dụng phát triển mạnh như: giáo viên, phiên dịch, báo chí, thư ký, luật sư, tài xế, người tư vấn …
ChatGPT nhanh chóng phủ sóng trên thế giới |
Không ít học sinh đã sử dụng ứng dụng công nghệ này để làm bài tập, trả lời những thắc mắc. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này khiến học sinh trở nên lười tư duy, động não mà thay vào đó là dựa vào công nghệ, dần dần điều này sẽ khiến họ thụ động.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ: “Riêng trong lĩnh vực giáo dục, tôi cho rằng ChatGPT đã nổ phát súng đầu tiên cho cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo và rất nhiều mô hình trường học truyền thống sẽ sụp đổ.
Hơn nữa, con người sẽ chỉ cần những tri thức chọn lọc có tính hữu dụng, có liên quan, cần thiết để hành động, thay vì cả "rổ" kiến thức chung chung. Việc này sẽ thách thức các trường học truyền thống dạy theo hướng hàn lâm, thiên về tích lũy kiến thức phải "thay đổi hay là chết", vì cách dạy và học trong những năm tới sẽ rất khác và nhiều việc giáo viên đang làm ngày nay là hoàn toàn dư thừa.”
Thông tin của ChatGPT đưa ra sau những câu hỏi hay bài tập được cho là câu từ chính xác nhưng chưa mượt mà, đặc biệt là với những bài làm văn.
Cô Nguyễn Thị Tám ( Giáo viên Văn tại Hà Nội) cho hay: “Đã có những bài tập, đoạn văn, học sinh lên phần mềm ChatGPT để tham khảo, mặc dù nội dung có phần chính xác, nhưng nội dung và cách sắp xếp còn lủng củng, chưa khoa học, nếu để nói là thay thế ngành giáo dục thì rất khó. Bởi trong ngành này không chỉ cần kiến thức đơn giản, mà kỹ năng, nội dung, đặc biệt là cảm xúc tinh thần cũng hết sức quan trọng. Công nghệ vẫn là người máy, không có cảm xúc và cách truyền đạt tốt được.
Hơn nữa,thông tin mà ChatGPT đưa ra chưa chắc đã hoàn toàn chính xác, có độ tin cậy thấp, ngay cả với nhưng thông tin cơ bản”.
Một ví dụ được đưa ra về minh chứng thông tin trên chat GPT rằng, như khi nhận câu hỏi “Tết Trung thu là gì”, ChatGPT trả lời: “Trung thu là một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, tổ chức vào mùa thu hoạch. Tết Trung thu là một dịp để tôn vinh sức mạnh và năng lực của trời và đất, và để cảm tạ sự biết ơn đối với những điều tốt đẹp mà họ đem lại”.
Hay với câu hỏi “Mưa đá là gì”, ChatGPT viết: “Mưa đá là một loại mưa nước cục bộ với các tia mưa nước rất to và chảy nhanh. Nó thường gặp phải khi có một trận mưa tấn công mạnh và có thể gây hại cho tài sản và cản trở giao thông”.
Các chuyên gia cũng như ý kiến của nhiều giáo viên cho rằng, Chat GPT là một ứng dụng tốt, có thể phục vụ cho ngành giáo dục tuy nhiên không thể thay thế, đó chỉ là một công cụ để giúp đời sống và kiến thức của chúng ta được nâng cao. Tuy nhiên cũng cần thay đổi cách hướng dẫn, truyền đạt tới học sinh để vừa theo kịp công nghệ, vừa có thể trang bị cho học sinh những kiến thức tốt nhất.
Truyền thông: Tác động mạnh nhưng khó thay thế
Nhiều người cho rằng, ChatGPT không phải là công cụ vạn năng, có thể trả lời nhiều câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi ở thời tương lai do hạn chế về dữ liệu. Ngay trong phần giới thiệu ứng dụng cũng lưu ý, các dữ liệu của ChatGPT chủ yếu tập trung từ năm 2021 trở lại. Đặc biệt nhiều thông tin mang tính chất địa phương, vùng miền được ChatGPT cho ra câu trả lời khá hài hước. Khi chat với ChatGPT cảm giác như đang nói chuyện với một người bạn thông minh và khôn khéo.
Trong ngành truyền thông hay báo chí không những chỉ cần yếu tố về thông tin chính xác mà còn cần thêm nhiều kỹ năng khác. Kỹ năng tìm kiếm, xử lý câu chữ mượt mà, kết hợp với tính chính xác cao.
Chị Thùy Liên (Làm truyền thông, content, Hà Nội) cho biết: ChatGPT là một ứng dụng rất hay, tuy nhiên, để nói là thay thế ngành truyền thông thì rất khó, bởi những gì mà nó mang lại là chưa đủ, chúng ta hãy sử dụng nó như một công cụ để hỗ trợ hoặc để trò chuyện như một người bạn cũng rất hay. Cũng không nên dựa quá nhiều vào nó, tránh để mất những ý tưởng sáng tạo và logic của bộ não con người”