Cần siết chặt và xử lý nghiêm học sinh vi phạm về giao thông
Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) xử lý trường hợp học sinh vi phạm giao thông
Bài liên quan
Vụ giả danh công an xin cho bạn vi phạm giao thông: Có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng
TP HCM xử lý gần 7.000 công trình xây dựng vi phạm
TP HCM tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ
Tái diễn vi phạm giao thông
Sáng 13/9, có mặt tại cổng Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), chỉ trong vòng 10 phút, phóng viên quan sát thấy có khoảng hơn 20 học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện
Tại một số trường THPT khác trên địa bàn Hà Nội như Việt- Đức (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa)... tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện vẫn diễn ra phổ biến.
Nhiều trường hợp các em học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến với tính chất, mức độ và nhiều hình thức khác nhau. Chỉ tính từ đầu tháng 3/2019 đến cuối tháng 8/2019, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý khoảng 2.500 học sinh, sinh viên vi phạm quy định về an toàn giao thông, trong đó phần lớn là các lỗi liên quan đến đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện. Các trường hợp vi phạm đã được Công an thành phố Hà Nội gửi thông báo về Ban giám hiệu các nhà trường để phối hợp quản lý, phòng ngừa tái phạm.
Đại úy Bùi Ngọc Quyết, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, vi phạm chủ yếu của học sinh là điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi nhưng vẫn lái xe và chở quá số người quy định. Ngoài ra, một số trường hợp học sinh vượt đèn tín hiệu giao thông, đi xe dàn hàng ngang, phóng nhanh, lạng lách… Những vi phạm này đều là tác nhân trực tiếp có thể dẫn tới tai nạn giao thông cho chính học sinh và người cùng tham gia giao thông.
Ngoài việc một số học sinh cấp 3 vi phạm quy định về an toàn giao thông, tình trạng phụ huynh đưa, đón con ở trường mầm non, tiểu học… không cho con đội mũ bảo hiểm cũng diễn ra khá phổ biến.
Theo ghi nhận PV tại nhiều trường cấp 1, 2 trên các quận nội thành Hà Nội, hầu hết các em đến trường đều được phụ huynh đưa đón. Nhiều cha, mẹ đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, còn con ngồi phía sau thì lại không đội. Đáng nói hơn, tại các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông nhưng một số phụ huynh chở con vô tư vượt đèn đỏ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ mà còn vô tình trở thành gương xấu cho chính con em của mình.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, không ít phụ huynh vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với con. Nhiều trường học khó kiểm soát học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vì không ít phụ huynh quá dễ dãi với chính con em mình.
Siết chặt kỷ luật
Trước thực trạng trên, mới đây, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang tích cực triển khai hoạt động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, ngay trong những ngày đầu của năm học mới vẫn diễn ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông tại một số cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhất là tình trạng học sinh đi xe đạp điện, cha mẹ đưa các em đi học mà không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến.
Do đó, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an về bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Công an huyện Thạch Thất ( Hà Nội) tuyên truyền về Luật Giao thông cho các em học sinh tại trường THPT Phùng Khắc Khoan |
Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường gần khu khu vực các trường học, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, cha mẹ học sinh chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm; Xử lý nghiêm hành vi người lớn chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện và các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến trẻ em.
Về thực hiện nội dung chỉ đạo trên, theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), lực lượng Cảnh sát giao thông của thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Phòng sẽ tổng hợp danh sách các trường hợp vi phạm gửi về các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để có biện pháp giáo dục, quản lý. Ngoài ra, cách thức tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cũng được đổi mới theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, góp phần tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật của học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội trong Công văn số 3680/UBND-ĐT ngày 27/8 về việc thực hiện Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường (tháng 9/2019), ngay trong những ngày đầu năm học mới, các trường đã tổ chức cho 100% số học sinh ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành trật tự an toàn giao thông. Các phụ huynh cũng ký cam kết với nhà trường về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, cam kết đội mũ bảo hiểm cho con khi ngồi trên xe gắn máy...
Để xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt đầu đưa vào dạy ở tất cả các trường học tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh thành phố Hà Nội”. Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an thành phố cũng đã ký Kế hoạch số 265/KHPH-CATP-SGDĐT ngày 28/8 về việc phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố năm học 2019-2020.
Kế hoạch này có quy định rõ nội dung, biện pháp triển khai và trách nhiệm của các bên, nhằm tạo chuyển biến về ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ một cách bền vững, thực chất, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn cho học sinh Thủ đô.
Việc siết chặt và xử lý nghiêm khắc học sinh vi phạm về giao thông của các cơ quan chức năng nhằm giúp các em bảo vệ cho chính mình và cộng đồng là việc làm cấp thiết. Chấp hành luật giao thông chính là chấp hành luật pháp và học sinh cần được rèn luyện ý thức này ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.