Cần có giải pháp khẩn cấp, bền vững để ứng phó thiên tai
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung bộ” được tổ chức tại tại TP Vinh (Nghệ An) ngày 22/7.
Dễ bị tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khái quát chung về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, biến đổi khí hậu đang diễn ra rất gay gắt, nhất là 5 năm gần đây. Những hiện tượng thời tiết dị thường, hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản ứng phó mới nhất mà quốc tế cũng như Việt Nam dự báo và đặc trưng riêng của khu vực Bắc Trung Bộ. "Hạn thì rất hạn mà úng cũng rất úng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong năm nay, tình hình thiên tai trên cả nước diễn biến phức tạp, đặc biệt là nắng nóng khốc liệt, hạn hán gay gắt, kéo dài, xâm nhập mặn gây hậu quả nghiêm trọng. Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ chịu hậu quả nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị |
“Bắc Trung Bộ là khu vực đặc biệt, vừa chống hạn hán, xâm nhập mặn, sắp tới đây phải đối mặt với lũ lụt, ngập nước. Vì vậy, các địa phương phải có ngay các giải pháp khẩn cấp, vừa có tính bền vững để ứng phó thiên tai”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Tại hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam và Nghệ An. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 5%. Chính nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế Nghệ An, góp phần ổn định đời sống dân sinh khu vực nông thôn (chiếm 83% dân số), là cơ sở để ổn định phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Tuy nhiên, Nghệ An cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ đang phải trải qua một năm với thời tiết rất đặc thù, dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp sẽ gặp thách thức, khó khăn rất lớn trong thời gian tới. Đến thời điểm hiện tại, trong 325.000ha lúa mùa, hè thu của cả vùng Bắc Trung Bộ chính thức đã có 26.000ha bị hạn, thiếu nước, một nửa trong số đó có nguy cơ mất trắng nếu tiếp tục không có mưa.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Bắc Trung Bộ có mạng lưới sông suối dày đặc, bao gồm 25 sông lớn, nhỏ tập trung thành 6 lưu vực sông chính. Lượng mưa trung bình nhiều năm tương đối lớn, tới 2.200mm, tổng lượng dòng chảy năm trung bình là 76,4 tỷ m3. Tuy nhiên, mưa và dòng chảy phân bố không đều trong năm, mùa lũ chiếm đến 70 - 75%, mùa kiệt chỉ 25 - 30%; Trong đó, 3 tháng kiệt nhất chỉ có từ 6,5 - 10% dòng chảy năm.
Hiện toàn vùng Bắc Trung Bộ đã xây dựng được 2.400 hồ chứa, 2.300 đập dâng và 2.600 trạm bơm, 62 cống lớn. Hệ thống thủy lợi đáp ứng cấp nước cho 388.000ha đối với các năm có thời tiết thuận lợi. Với các năm hạn hán nặng, chỉ đáp ứng được 336.000ha, tức là có đến trên 50.000ha dễ bị thiệt hại nếu không có giải pháp ứng phó.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội nghị |
Về nhu cầu dùng nước trong tương lai, dự kiến đến năm 2035 tổng nhu cầu dùng nước toàn vùng Bắc Trung Bộ sẽ tăng từ khoảng 10,8 tỷ m3 hiện nay lên khoảng 13,6 tỷ m3 (tăng khoảng 20% so với hiện nay). Trong đó, nhu cầu nước tập trung tăng thêm cho đối tượng cây công nghiệp vùng đồi, các khu vực đô thị, khu vực kinh tế ven biển.
Như vậy, về lâu dài các công trình thủy lợi với mức độ chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu trong điều kiện thời tiết bình thường vẫn cần phải tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu cho tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đến từ nhiều bộ ngành Trung ương, các địa phương đã cùng thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường công tác ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước trong vụ Hè Thu, Mùa năm 2020; Đưa ra những định hướng giải pháp lâu dài để thích ứng với tình trạng này; Cùng với đó, triển khai các nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2020.
Tìm giải pháp ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan
Nhận định về tình hình thời tiết trong thời gian tới, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, dự báo nắng nóng sẽ tiếp diễn trong một tuần tới. Nhiệt độ trung bình tháng 8 - 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C, các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa dự báo trong tháng 8 - 9/2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; Tháng 10/2020 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%...
Cần có giải pháp khẩn cấp, bền vững để ứng phó thiên tai |
Để ứng phó với thực trạng này, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.
Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội; Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ chống hạn gồm nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp; Xây dựng mới các công trình cho vùng khó khăn về nguồn nước, các vùng có nhu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.