Các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do mưa đá, dông lốc
Mưa đá, dông lốc tối 2/3 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân địa phương (Ảnh Internet)
Bài liên quan
Chàng trai người Mỹ tiết kiệm từng đồng cho trẻ mồ côi miền núi
Hà Nội: Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ngập lụt, cây đổ đè nát một ô tô
Đêm nay (2/3), Bắc Bộ có mưa rào và dông
Nhanh chóng đề xuất giải pháp ứng phó với hạn mặn tại khu vực ĐBSCL
Mưa đá gây thiệt hại lớn
Do ảnh hưởng của không khí khí lạnh, từ tối ngày 2/3 đến ngày 3/3/2020, tại 5 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La) đã xảy ra dông, lốc, sét và mưa đá. Một số khu vực có mưa lớn như: Mộc Châu (Sơn La) 49mm, Hòa Bình (Hòa Bình) 51mm, Hà Giang (Hà Giang) 49mm, Láng (Hà Nội) 93mm, Cát Khê (Hải Dương) 79mm, Nho Quan (Ninh Bình) 66mm, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) 62mm.
Ngoài ra, tại bản Mong, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã xảy ra một trận lũ quét cục bộ vào lúc 16 giờ ngày 2/3/2020 (không thiệt hại về người, cuốn trôi 186 con gia súc, gia cầm).
Theo báo cáo nhanh của 5 tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và Sơn La, tình hình thiệt hại do dông, lốc, sét và mưa đá từ tối ngày 2/3 đến 16h00 ngày 3/3/2020 như sau: Về người, mưa dông làm 1 người chết (Anh Ly Mí Sính, sinh năm 1994, tại thôn Phóng Tủng, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chết do bị điện giật); 14 người bị thương (Yên Bái: 4 người; Hà Giang 10 người).
Về nhà ở, trên địa bàn 5 tỉnh có 348 nhà bị sập; 4.548 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về cơ sở hạ tầng, 22 điểm trường và 2 công trình văn hóa bị tốc mái, hư hỏng, 26 cột điện bị đổ. Về nông nghiệp, 371 ha lúa; 360 ha hoa màu; 62,0 ha cây trồng lâu năm, 352 ha cây ăn quả, 15 ha rừng keo bị thiệt hại; Về chăn nuôi, 106 con gia súc và 77 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; Về cây xanh: 229 cây xanh bị gãy đổ.
Mưa lớn khiến một vài tuyến phố ở Hà Nội bị ngập úng cục bộ |
Nói về nguyên nhân xảy ra mưa đá, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ở nước ta, mưa đá có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.
Ở khu vực Nam Bộ cũng quan sát được mưa đá vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa, nhưng chủ yếu là mưa đá nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các vùng miền trên lãnh thổ nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, các tỉnh miền Bắc lại hay chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về, kết hợp với hội tụ gió tây nam trên cao gây ra.
Mưa đá thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11), vì vào các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và dông mạnh, kèm theo mưa đá.
Nói về dấu hiệu nhận biết trời sắp xảy ra mưa đá, TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh: Như chúng ta đã biết, mưa đá là các hạt băng (nước đá) trong suốt, hình thành trong các đám mây đối lưu (các đám mây dông mạnh). Do vậy, nhận biết dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh.
Nhanh chóng khắc phục hậu quả
Ngay sau khi xảy ra mưa đá, dông lốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã nhanh chóng theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thông tin, cảnh báo sớm đến các địa phương liên quan để nắm bắt tình hình và chủ động các biện pháp ứng phó.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đã tổ chức trực ban theo dõi diễn biến thiên tai, tình hình dông, lốc, sét, mưa đá để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và tổ chức kiểm tra, tổng hợp thiệt hại, huy động lực lượng để khắc phục hậu quả.
Các địa phương cần dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thông tin, cảnh báo sớm đến người dân để nắm bắt tình hình và chủ động các biện pháp ứng phó |
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, tiếp tục có thể xảy ra các đợt dông, lốc, sét, mưa đá tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Rút kinh nghiệm những đợt mưa đá xảy ra gần đây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung khắc phục nhà bị hư hỏng do mưa đá và dông lốc. Theo đó, các địa phương cần huy động các nguồn lực để khắc phục theo hướng chuyển đổi từ mái lợp tấm Proximang sang mái tôn lạnh để ổn định lâu dài.
Đồng thời, các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về mưa lớn, dông, lốc, sét và mưa đá để thông tin kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp. Ngoài ra, cân tổ chức trực ban nghiêm túc, tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.