Bức xúc mà xin nghỉ là cách giải quyết tiêu cực
Mạng xã hội Facebook đang lan truyền ảnh chụp một tờ đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn (SN 1971) - giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Liên quan sự việc, ngày 6/10/2021, ông Sơn đã có đơn gửi Ban Giám hiệu Trường Tiểu học An Lợi và Phòng GD&ĐT huyện Long Thành (Đồng Nai) xin nghỉ việc theo quy định hiện hành, kể từ ngày 1/11/2021.
ông Lê Trần Ngọc Sơn và đơn xin nghỉ việc. (Ảnh Internet) |
Trong đơn xin nghỉ việc, lý do ông Lê Trần Ngọc sơn nêu là: “Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều vấn đề phi giáo dục,... nhất là vấn đề dối trá, tôi cảm thấy mình không còn phù hợp nên nghỉ”.
Hiệu trưởng cần quan tâm đến giáo viên của mình
Câu chuyện này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và cũng nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên ở góc độ hiệu trưởng, cũng là chuyên gia về giáo dục, TS. Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch HĐQT trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) cho rằng:
Trong giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề, các thầy cô giáo hàng ngày dạy, tiếp xúc phụ huynh, đồng nghiệp nhất là trong mùa dịch nên có nhiều bức xúc, đó là chuyện không mấy khó hiểu.
TS. Nguyễn Văn Hoà |
Kinh nghiệm cho thấy, nhà trường cần phải tìm hiểu kỹ càng xem thầy Sơn bức xúc gì. Tôi nghĩ là thầy bức xúc về vấn đề xã hội và bản thân mình không có được cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc theo tôi là do quan niệm của con người chúng ta tự định ra. Không ở đâu có cuộc sống hoàn toàn an bình, không ở đâu có cuộc sống hoàn toàn trong sạch. Nếu là nhà giáo tâm huyết thì coi đó là vấn đề của ngành nghề mà mình phải cố gắng, vào cuộc, gỡ rối. Cứ bức xúc mà xin nghỉ thì tôi cho rằng đó là một cách giải quyết tiêu cực. Thấy sai thì mình phải sát vào để gỡ, nếu giáo viên nào cứ gặp phải vấn đề cũng xin nghỉ thì ai vì nền giáo dục.
Thầy xin nghỉ việc cũng không còn ít tuổi, làm mấy chục năm rồi, tôi cho rằng thầy bức xúc quá, không kìm chế được cảm xúc.
Ở cấp trường, khi thấy giáo viên bức xúc thì Ban giám hiệu phải tìm hiểu về tâm lý, giải đáp thắc mắc, cần cho họ thời gian để họ bình tĩnh rồi mới xử lý.
Ở trường tôi, nếu giáo viên bức xúc, tôi thường để một thời gian mới giải quyết. Khi đó, mọi người bình tĩnh lại thì vấn đề sẽ khác hơn.
Tôi nghĩ thầy hiệu trưởng phải rút kinh nghiệm, trong trường hợp này cần sự quan tâm của người đứng đầu nhà trường đối với các giáo viên của mình. Người ta có thể có ý kiến này, ý kiến khác nhưng đó chỉ là nhất thời. Nếu để giáo viên bức xúc lâu năm cũng là do hiệu trưởng không tìm hiểu để tháo gỡ, giải toả tâm lý cho họ.
Trong hoàn cảnh này, thầy hiệu trưởng nên thông cảm với giáo viên 1 chút và để họ có thời gian bình tâm suy nghĩ lại. Mình quyết định như thế, sau này người ta nghĩ lại cũng không có cơ hội.
Ngành giáo dục của chúng ta còn nhiều khó khăn lắm, nhất là trong mùa dịch bệnh như hiện nay. Chúng ta phải cùng nhau đồng tâm để tháo gỡ.
Cần làm rõ đúng, sai
TS. Nguyễn Tùng Lâm |
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng:
"Ở đây có 2 vấn đề, các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa giải quyết khiếu nại của người ta.
Trong câu chuyện này là bất đồng ý kiến giữa giáo viên và Giám hiệu nhà trường, chưa làm rõ mà cho nghỉ là không dân chủ trong trường học, không thực hiện đúng quy tắc, quản lý ngành giáo dục. Đó là khi có mâu thuẫn, không được cho thôi việc mà phải làm rõ trắng đen, phải ,trái, lúc đó cho thôi việc mới thoả đáng.
Các cơ quan quản quản lý nhà nước phải có trách nhiệm làm rõ với người lao động, sai hay đúng ở đâu. Tôi nghĩ vấn đề này, Công đoàn giáo dục của tỉnh cũng cần vào cuộc.
Ngoài ra, tôi cho rằng, thầy giáo cần kiên trì, làm rõ chân lý, không thể thấy tiêu cực, không giải quyết được thì rút lui như thế".
Được biết, trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hiện đã xác nhận vấn đề này với báo chí đồng thời yêu cầu trường Tiểu học An Lợi tạm thời rút lại đơn xin nghỉ việc của ông Lê Trần Ngọc Sơn.