Bình Dương: Vụ các bệnh viện và phòng khám từ chối cấp cứu có dấu hiệu vi phạm hình sự
Xem bệnh viện dã chiến như các “bộ lọc”, Bình Dương tự tin sẽ vượt qua đại dịchBình Dương: Bắt giữ một đối tượng trộm cắp và tàng trữ ma túy |
Thủ tướng chỉ đạo xác minh thông tin 5 cơ sở y tế không tiếp nhận cấp cứu khiến một người tử vong |
Sáng 1/9, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin về vụ việc các phòng khám và bệnh viện trên địa bàn từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân là ông N.D (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, Trà Vinh, ở trọ tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) tử vong.
Đại tá Trần Văn Chính thông tin sự việc các phòng khám và bệnh viện từ chối cấp cứu nạn nhân |
Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: "Trên cơ sở kết quả điều tra, xác minh, Phòng PC01 nhận thấy các cơ sở y tế có liên quan trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm như sau: Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là văn bản số 1681 ngày 26/7/2021 của Sở Y tế về việc tiếp nhận, thu dung khám chữa bệnh trên địa bản tỉnh Bình Dương; Văn bản số 1837 ngày 10/8/2021 về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong giai đoạn dịch Covid-19.
Các phòng khám đa khoa Năm Anh, Tâm Phúc 2, Bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị bệnh nhân là chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; Vi phạm khoản 1 Điều 67 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.
Người thân của nạn nhân xấu số bị các phòng khám và bệnh viện từ chối cấp cứu |
Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng tiếp nhận ca bệnh cấp cứu nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên, không lập Hồ sơ bệnh án (do cơ sở báo không dùng thuốc trong quá trình cấp cứu), không thực hiện Giấy chuyển viện, chuyển tuyến không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng (cơ sở báo xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng chống dịch). Hành vi trên đã vi phạm các Điều 32, 52, 53, 54 Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12.
Đối với Bệnh viện Quân y, sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện Giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Hành vi vi phạm các quy định tại các Điều 32, 52, 53, 54, Luật Khám chữa bệnh.
Phòng khám Ngọc Hồng |
Đại tá Chính khẳng định, hành vi của các cơ sở y tế trên cùng các y, bác sĩ có liên quan đã vi phạm các quy định của Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12; Quy chế tổ chức bệnh viện ban hành Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế.
Xét thấy cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm khắc, riêng phòng khám đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân y 4 cần tập trung làm rõ dấu hiệu của tội phạm: Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự, cần được tập trung điều tra xử lý nhanh nhằm ổn định tình hình chung không để xảy ra tâm lý bức xúc trong Nhân dân gây ảnh hưởng rất xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại tá Trần Văn Chính thông tin thêm: "Hiện Bệnh viện Quân y 4 là cơ sở y tế của quân đội nên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp, chuyển thông tin để Cơ quan điều tra quân sự xử lý. Đối với trách nhiệm của Phòng khám Ngọc Hồng, Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp xem xét, xử lý".