Xem bệnh viện dã chiến như các “bộ lọc”, Bình Dương tự tin sẽ vượt qua đại dịch
Bình Dương trưng dụng công viên làm bệnh viện dã chiến 600 giường |
Phát huy tối đa vai trò
Trước tình hình dịch bệnh tại tỉnh này, được sự chung tay giúp sức của cả nước, đến thời điểm hiện tại có ít nhất 28 đoàn cán bộ y tế của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước chi viện cho Bình Dương với nhân lực gần 5.000 người từ sinh viên y khoa đến các chuyên gia y tế.
Với việc phân tuyến điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng" như hướng dẫn của Bộ Y tế, Bình Dương được các chuyên gia y tế đánh giá đang hoạt động rất tốt ở công tác thu dung, điều trị các F0 triệu chứng nhẹ ở tầng 1. Đặc biệt là các bệnh viện dã chiến hiện đại, quy mô lớn được tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn đưa vào hoạt động thời gian qua đã phát huy tối đa vai trò của mình. Hàng chục ngàn F0 đã được tiếp nhận điều trị và chữa khỏi, với sự tham gia hỗ trợ tích cực, đồng lòng chống dịch từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó tích cực nhất là Tổng công ty Becamex IDC.
Ngày 18/7, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 quy mô 1.500 giường hoàn thành đi vào hoạt động sau 5 ngày thi công. Đến ngày 3/8, Khu Điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa trực thuộc Bệnh viện dã chiến Bình Dương quy mô 5.556 giường hoàn thành đi vào hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và trung bình thuộc tầng 1 đến tầng 2 (mô hình điều trị tháp 3 tầng). Đồng thời, Tổng Công ty Becamex IDC đang tiếp tục gấp rút triển khai hoàn thành khu C và D với khoảng 7.000 giường. Như vậy, toàn bộ Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 (Khu WTC và Khu điều trị Thới Hòa) có tổng quy mô 13.574 giường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hệ thống bệnh viện dã chiến của Tổng công ty Becamex trong chuyến đến thăm Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hoà, trực thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương |
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về việc thần tốc xét nghiệm, tách triệt để F0 khỏi cộng đồng thì dự kiến số ca F0 trong thời gian tới sẽ rất lớn, Tổng công ty Becamex IDC đang đề xuất tăng số lượng lên khoảng 27.000 giường để đáp ứng được nhu cầu cấp bách sắp tới.
Ngày 12/8, Tổng Công ty Becamex IDC tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và Bộ Y tế giao nhiệm vụ vận hành Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đặt tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex. Bệnh viện với nhiệm vụ thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ mức độ vừa (tầng 2) đến mức độ nặng, nguy kịch (tầng 3). Bệnh viện có quy mô 437 giường, trong đó có 300 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nặng; 37 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nguy kịch, có đấu nối đầy đủ hệ thống khí trung tâm gồm oxy, khí nén, khí hút và 100 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ trung bình.
Giữ vai trò Giám đốc y khoa và huy động nguồn nhân lực y tế đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá cao cơ sở trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư sẵn có tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex giúp việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 được thuận lợi hơn.
Các giường bệnh ở đây đã có sẵn hệ thống oxy trung tâm, khí nén và hút ngay tại giường nên rất thuận tiện chăm sóc bệnh nhân nặng, hiện nơi đây đã nâng cấp thêm một số phòng chức năng để tăng thêm số giường ICU gắn thêm đầu oxy, cũng như các trang thiết bị máy móc theo dõi, có thể triển khai được các kỹ thuật cao dành cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nguy kịch.
Ngày 30/7, sau khi đi thăm khu điều trị Covid-19 Thới Hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần đi đầu trong công tác đóng góp phòng chống dịch của Tổng Công ty Becamex IDC, nhất là việc đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến hiện đại phục vụ việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, đồng thời đánh giá cao mô hình chăm sóc điều trị phân tầng của Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương.
Thực hiện tốt chỉ đạo “lấy phường, xã làm pháo đài chống dịch”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Tăng cường hệ thống y tế cấp xã phường, phân loại để điều trị ngay tại xã phường, góp phần giảm tải tuyến trên, lấy xã phường làm pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ, lấy người dân vừa là trung tâm để phục vụ phòng chống dịch, vừa là chủ thể tham gia phòng chống dịch. Những chiến sĩ này phải tích cực chống dịch, thực hiện nghiêm giãn cách, không để F0 lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đến thăm và động viên lực lượng y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Bình Dương |
Hiện nay, Bình Dương đang làm tốt việc thu dung điều trị F0, các bệnh viện dã chiến cần tăng cường thành lập để thần tốc cách ly F0 khỏi cộng đồng. Với sự chăm sóc tận tình của y, bác sĩ và cơ sở vật chất hiện đại tại các Bệnh viện dã chiến Bình Dương, bệnh nhân được tập thể dục hàng ngày, chế độ điều trị, ăn uống hợp lý, số ca xuất viện ngày càng tăng cao (tỷ lệ trên 50%). Bên cạnh đó, Bình Dương đang tích cực đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân, góp phần lớn tạo nên miễn dịch cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, với đặc thù là tỉnh có đông người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc nên việc điều trị cách ly F0 tại nhà rất khó thực hiện có hiệu quả. Do vậy, để kịp thời thu dung, điều trị bệnh nhân F0 trong thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả cao, tỉnh phải tiếp tục triển khai xây dựng thêm cũng như mở rộng các bệnh viện dã chiến hiện có.
Tự tin vượt qua đại dịch
Với dân số gần 2,5 triệu người, tính từ đợt dịch thứ 4 đến chiều 29/8/2021, tỉnh Bình Dương ghi nhận 104.208 ca mắc Covid-19 nhưng đến thời điểm hiện nay có đến 55.701 bệnh nhân xuất viện (gần 54% tổng số bệnh nhân). Hiện các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 17.782 bệnh nhân trong đó tầng 1 có 14.004 bệnh nhân, tầng 2 có 3042 bệnh nhân và tầng 3 có 736 bệnh nhân.
Phát biểu tại cuộc họp với 100 điểm cầu ở các xã, phường của tỉnh Bình Dương vào ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định qua khảo sát, kết quả chống dịch của Bình Dương đã đạt được thành quả nhất định, qua đó ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nổ lực, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận biểu dương sự đóng góp, vào cuộc của công đồng doanh nghiệp của tỉnh, tiêu biểu như Tổng công ty Becamex IDC. Mục tiêu chung của tỉnh là cố gắng nhanh nhất có thể kiểm soát được dịch bệnh và phấn đấu chậm nhất là ngày 15/9 phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh để nhanh chóng đưa địa phương về trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện 2 mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác chống dịch tại cuộc họp với 100 điểm cầu cấp xã, phường tại Bình Dương |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong cuộc họp với 100 điểm cầu ở các xã, phường của tỉnh Bình Dương, khẳng định, chiến lược chống dịch của tỉnh đang đi đúng hướng, Bình Dương đang kiểm soát và giảm số ca tử vong tốt. Điều đó khẳng định lấy xã phường làm pháo đài chống dịch là hoàn toàn đúng đắn, giúp địa phương tập trung nguồn lực xuống tầng cơ sở, tiếp cận đối với người dân về y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thành công.
Bình Dương xem các bệnh viện dã chiến như các “bộ lọc”. Hiện các bộ lọc này đang hoạt động rất tốt, minh chứng là số bệnh nhân xuất viện mỗi ngày tăng, tỷ lệ bệnh nhất xuất viện luôn trên 50%. Lãnh đạo tỉnh tự tin với cách làm nhịp nhàng, khoa học, hệ thống bệnh viện dã chiến tiếp tục vận hành tốt, đạt được mục tiêu đưa Bình Dương về trạng thái bình thường mới trước ngày 15/9.