Bình Dương triển khai các biện pháp khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội
Bình Dương: Thêm một địa phương chuyển sang "vùng xanh" |
Trong văn bản hỏa tốc UBND tỉnh Bình Dương ban hành về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới ghi rõ: Những đối tượng không được tham gia lưu thông gồm: Những người chưa tiêm vắc xin; Những người đã tiêm 1 mũi dưới 14 ngày; Khuyến cáo người già, người có bệnh lý nền và trẻ em không tham gia lưu thông khi không cần thiết.
Về đối tượng được phép lưu thông: Ngoài các đối tượng đã được quy định, người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi tiêm vaccine sau 14 ngày được phép tham gia lưu thông. Người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm soát. Hạn chế tối đa các đối tượng là người già, bệnh nền, trẻ em tham gia lưu thông; Chưa cho phép các trường hợp người và phương tiện từ "vùng đỏ" đi vào "vùng xanh" ngoại trừ các đối tượng ưu tiên đã được quy định.
TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) sẽ được trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 10/9 |
UBND các huyện, thị xã, thành phố từng bước khuyến khích, hướng dẫn và cung cấp thiết bị cho gia đình, khu phố, doanh nghiệp và nhà trọ tự xét nghiệm. Trong quá trình xét nghiệm, nếu phát hiện F0 người dân liên hệ các trạm y tế tại địa phương; Phối hợp với Sở Y tế từng bước triển khai việc cách ly F0 tại nhà với đối tượng và điều kiện phù hợp gắn với triển khai các "túi thuốc an sinh" cho F0.
Các chốt kiểm soát liên huyện, đặc biệt là ranh giới giữa "vùng xanh" và "vùng đỏ", phải khóa chặt theo lộ trình thông tuyến; Đảm bảo thông suốt "luồng xanh" hàng hóa đi từ vùng đỏ, liên tỉnh đến các nhà máy và yêu cầu các doanh nghiệp, chính quyền địa phương thực hiện siết chặt bộ phận kiểm soát, tiếp nhận, kho bãi của từng doanh nghiệp.
Về sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục thực hiện đăng ký hoạt động theo mô hình 3 xanh.
Hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân: UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quy định và điều kiện thực tế của địa phương xem xét, quyết định cho phép mở cửa trở lại các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn và các chợ truyền thống (theo thẩm quyền quản lý), đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương thành lập các trạm y tế lưu động với số lượng, trang thiết bị vật tư y tế và nhân viên phù hợp với quy mô dân cư và tình hình diễn biến dịch trên từng địa bàn các xã, phường, thị trấn, khu, cụm công nghiệp.
Người đứng đầu các địa phương không được lơ là, chủ quan và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình điều hành để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận ngày 9/9 có 4.531 ca mắc mới. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 42,8% so với ngày 8/9/2021; Ddija phương có số ca mắc tăng là Thuận An, Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo. Số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (88%), tỷ lệ phát hiện qua sàng lọc cộng đồng thấp (5,3%).
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 146.296 ca mắc Covid-19.
Số cơ sở cách ly tập trung (hiện nay sử dụng chủ yếu để cách ly điều trị F0 không triệu chứng và các trường hợp test nhanh +): 176 cơ sở, trong đó có 173 cơ sở cấp huyện và 3 cơ sở cấp tỉnh là Khu điều trị Hoàng Hùng (Bàu Bàng) và Khu điều trị Việt Đức (Bến Cát); Khu điều trị số 6 (Bàu Bàng).
Số người đang cách ly tập trung: 42.323 người gồm: 684 F1; 15.610 trường hợp test nhanh + chờ XN khẳng định; 26.029 trường hợp F0 không triệu chứng.
Tình hình tiêm vắc xin: Tính đến 16h00 ngày 9/9 ghi nhận trên hệ thống báo cáo: Lũy kế: 1.611.560 liều (1.564.034 mũi 47.526 mũi 2).
Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục chiến dịch xét nghiệm diện rộng đợt 4; Triển khai Kế hoạch số 40/KH-SYT ngày 26/8/2021 của Sở Y tế về việc triển khai kế hoạch tiêm vacxin đợt 25; Triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Sinopharm.