Bình Dương đóng cửa nhiều mỏ khai thác khoáng sản
Hiện nay, khoáng sản trên địa bàn Bình Dương chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không có khoáng sản kim loại hoặc quý hiếm. Trữ lượng đá xây dựng gần gần 5 tỷ 122 triệu m³, sét gạch ngói gần 620 triệu m³, cát xây dựng gần 24,4 triệu m³ và đất sạn sỏi trên 14,5 triệu m³. Các khoáng sản này tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng.
Tỉnh Bình Dương đóng cửa hàng loạt mỏ khai thác khoảng sản nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên (Ảnh: Lan Chi) |
Toàn tỉnh có 8 mỏ khai thác cát xây dựng được UBND tỉnh cấp phép với trữ lượng khai thác gần 2,9 triệu m³, công suất 424.000 m³/năm. Tuy nhiên, khu quy hoạch 125ha với trữ lượng 6 triệu m³ đất san lấp vẫn chưa thu hút đơn vị đầu tư.
Tại phường Thạnh Phước và Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, đề án đóng cửa mỏ sét gạch ngói giai đoạn 2 đang được xem xét phê duyệt. Mỏ này có diện tích 9,9ha, trữ lượng 596.943m³ và đã hết hạn khai thác từ năm 2019. Hợp tác xã Phước Thành đã lập đề án đóng cửa mỏ, cải tạo môi trường nhằm đưa khu vực về trạng thái an toàn.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thông báo về việc doanh nghiệp tư nhân Bảy Luật đã chính thức trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản cho mỏ sét gạch ngói tại khu vực Định Hiệp 3, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Giấy phép này được cấp từ năm 2018 với trữ lượng 196.831m³, công suất 22.000 mét khối/năm, trong vòng thời gian 9 năm (đến năm 2027) nhưng chưa khai thác do không thoả thuận chuyển nhượng đất. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận yêu cầu trả lại giấy phép và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan, đồng thời thực hiện việc đóng cửa mỏ, giữ nguyên hiện trạng và không cần thực hiện các biện pháp phục hồi.
Một dự án khác cũng được lưu ý là việc trả lại giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá Minh Hòa, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và May thêu Tân Tiến đề nghị trả lại một phần diện tích khai thác do không đạt thoả thuận chuyển nhượng đất.
Trong khi đó, công ty đề xuất khai thác các sản phẩm phụ như đất tầng phủ, đá phong hóa và lớp đá kẹp trên diện tích còn lại để phục vụ các dự án xây dựng trọng điểm, đặc biệt là các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết các đề xuất của công ty đã được thẩm định và xác nhận là phù hợp với quy định pháp luật. UBND tỉnh sẽ xem xét và phê duyệt các đề xuất để đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên khoáng sản tại Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tài nguyên phục vụ các dự án xây dựng lớn như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành và các công trình giao thông trọng điểm ngày càng tăng. Quyết định đóng cửa các mỏ khoáng sản không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai.
Song song đó, tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan, đồng thời khẩn trương áp dụng các quy định mới trong quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Việc sớm hướng dẫn thi hành luật mới cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Nhờ các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, Bình Dương đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững.