"Lá chắn thép” trong đấu tranh bảo vệ rừng
Kỳ 2: Đồng cam cộng khổ, quyết giữ đại ngàn Tây Nguyên |
Chính sách, đãi ngộ người giữ rừng có phần chưa tương xứng |
Kỳ 3: Cần chính sách đặc thù để "giữ chân" lực lượng bảo vệ rừng |
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được giao quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 37.546,363ha |
Giữ mãi màu xanh đại ngàn
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum giao quản lý, bảo vệ với diện tích 37.546,363ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 37.469,333ha; rừng sản xuất là 77,03ha.
Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái; trồng và chăm sóc rừng trồng; bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), phòng trừ sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến khu bảo tồn và các nhiệm vụ được cấp trên giao.
Trên đỉnh "cổng trời" Ngọc Linh đầy khắc nghiệt vẫn luôn in hằn bước chân của cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh |
Toàn bộ diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn hiện nay nằm trong 42 tiểu khu; được phân chia thành 3 phân khu chức năng gồm: Phân khu dịch vụ, hành chính với diện tích 155,85ha; phân khu phục hồi sinh thái với diện tích 7.182,54ha; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 30.130,943ha.
Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 10 đội bảo vệ rừng, 1 đội bảo vệ rừng cơ động và PCCCR đang hoạt động trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn.
Với mục tiêu bảo vệ đại ngàn luôn xanh tươi, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn phát huy sức trẻ, có tinh thần kỷ luật cao; vận dụng kiến thức đã học được vào thực tế công tác, biết sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nên đã đạt được hiệu quả cao trong công tác.
Đa số cán bộ, viên chức và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực công tác, có khả năng vận dụng, áp dụng tốt các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền; các ban, ngành chức năng trong tỉnh cũng như sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền và Nhân dân các xã vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn.
Để giữ được màu xanh của đại ngàn, lực lượng bảo vệ rừng đã phải vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt của thời tiết |
Tuy nhiên, với diện tích quản lý rộng, địa bàn dàn trải, vị trí địa lý kéo dài, địa hình núi cao phức tạp, chia cắt bởi nhiều khe suối, đồi núi, đi lại khó khăn và trải dài trên nhiều xã; cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí dành cho công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng so với yêu cầu của nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách giành cho người lao động còn thấp nên đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Người dân sinh sống giáp ranh địa bàn quản lý của đơn vị đa số là người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 95%), đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ việc khai thác các loại lâm sản từ rừng.
Đồng thời, nhận thức của Nhân dân về giá trị, tầm quan trọng của rừng còn hạn chế, ý thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa cao. Biên chế của lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu so với quy định hiện hành, công tác phân tán trong khi các áp lực đến tài nguyên rừng ngày càng lớn.
mỗi cán bộ, nhân viên là một "cú đấm thép" trong đấu tranh, bảo vệ rừng |
Những "lá chắn thép”
Anh Phan Văn Chinh (40 tuổi), Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Lò Xo (thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh), chia sẻ: “Năm 2011, sau khi ra trường tôi chuyển vào mảnh đất Kon Tum đầy nắng và gió.
Sau một thời gian, tôi xin vào công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Thời gian đầu, do chưa quen địa bàn, môi trường làm việc nên gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, ở đơn vị mới, tôi được lãnh đạo, anh em quan tâm, động viên nên đã dần thích nghi với công việc. Tuy mỗi người một quê, nhưng anh em luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau để thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động, kiên quyết đấu tranh với những đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy".
Hiện nay, Đội quản lý bảo vệ rừng Lò Xo được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 1.000ha rừng trên địa bàn xã Đăk Man. Với địa bàn rộng, phức tạp, thời tiết vô cùng khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tuần tra, bảo vệ rừng của lực lượng chuyên trách.
Tuy nhiên, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, trong mọi tình huống, lực lượng bảo vệ rừng vẫn kiên trì bám địa bàn, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân địa phương, bảo vệ màu xanh của đại ngàn Tây Nguyên.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng sau quá trình, tuần tra bảo vệ rừng |
Rời quê hương Quảng Ngãi với bao hoài bão của tuổi trẻ, anh Đinh Duy Hoàng (44 tuổi) thi đậu vào Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên.
Năm 2002, anh ra trường và được nhận vào Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh công tác. Với vùng đất lạ lẫm, khắc nghiệt, thời gian đầu công tác, anh Đinh Duy Hoàng đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sức trẻ và hoài bão đang cháy rực, anh đã cùng anh em trong đơn vị vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ để canh giữ những cánh rừng xanh.
Anh Đinh Duy Hoàng cho biết: “Đội bảo vệ rừng Mường Hoong được đơn vị giao quản lý, bảo vệ hơn 4.600ha nằm trên địa bàn xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Tuy vậy, lực lượng tại đội chỉ có 7 người nên rất khó khăn trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, địa bàn xã Mường Hoong 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, sống gần rừng nên việc bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng của người dân vô cùng gian nan.
Tuy vậy, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng của đội luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành lồng ghép các mô hình tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm hại rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong những năm qua, không xảy ra tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng để làm nương rẫy.
Để giữ mãi màu xanh đại ngàn, mỗi cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng là một “cú đấm thép trong đấu tranh, bảo vệ rừng. Minh chứng rõ nét là trong những năm qua, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, duy trì ổn định công tác bảo vệ rừng trên lâm phần; không có vụ việc phức tạp phát sinh và không xảy ra vụ việc vi phạm Luật lâm nghiệp đến mức phải xử lý; hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt.
Ông Đinh Ngọc Thanh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, để tạo đà phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế và thiếu sót trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho viên chức, người lao động trong đơn vị để hoàn thành tốt hơn mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt việc phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho viên chức, người lao động đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị, giúp đội ngũ viên chức, người lao động nắm vững chức trách, nhiệm vụ, vận dụng tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, phấn đấu không để xẩy ra hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ phát triển rừng trên lâm phần được giao; chỉ đạo nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động quản lý bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện quy chế quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng…; phấn đấu quản lý, bảo vệ tốt 37.546,363ha rừng được giao đảm bảo việc sử dụng rừng, đất rừng đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. |