Bí quyết “vàng” hàn gắn các mối quan hệ rạn nứt
- Phóng viên: Theo chị, hiện nay, những vấn đề nào trong các gia đình Việt khiến cho chị trăn trở nhất trong quá trình tư vấn tâm lý?
Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền: Thực ra, để nói về các vấn đề trong gia đình Việt hiện nay thì nhiều lắm. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, suốt hơn 10 năm qua tôi chưa từng gặp một câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Thậm chí, cùng một vấn đề nhưng bên trong mỗi gia đình lại có vô vàn những ngóc ngách nhỏ mà phải rất tinh tế tôi mới có thể đi sâu và tìm ra biện pháp cho họ.
Tuy nhiên, tựu chung của các vấn đề đó lại bắt nguồn từ một điều đó là: sự đòi hỏi quá nhiều giữa các thành viên trong gia đình. Tức là vợ hoặc chồng yêu cầu đối phương phải thế này thế kia trong khi rất có thể đối phương đã rất nỗ lực rồi, nhất là bố mẹ thì đòi hỏi con cái quá nhiều đôi khi vượt tầm khả năng của chúng.
Sự đòi hỏi và không thừa nhận cũng như chấp nhận đối phương hoặc con cái như vốn có để cùng thay đổi sẽ dẫn đến một điều nguy hiểm đó là mất kết nối dần. Điều này nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến cho cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt, không muốn lắng nghe, không thấu hiểu, không đồng cảm và không chia sẻ được bất kỳ điều gì. Kết quả là, vợ chồng, bố mẹ, con hoàn toàn mất kết nối, dẫn tới vợ chồng ly hôn, con cái nghiện game, bỏ nhà ra đi… thậm chí tự tử.
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như vậy mà đáng lẽ ra nếu biết cách, gia đình của họ đã không rơi vào sự bế tắc đến cùng cực như vậy.
Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giáo dục |
Phóng viên: Vậy chị có thể chia sẻ một vài bí quyết để hàn gắn những mối quan hệ đã rạn nứt tưởng như không thể nối lại đó?
Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền: Trong quá trình làm nghề, tôi trăn trở rất nhiều. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra được một bí quyết mà tôi nghĩ nó không quá khó thực hiện đối với từng gia đình. Tôi muốn kể ra đây 2 câu chuyện điển hình mà nhờ họ áp dụng cách tôi chia sẻ họ đã kết nối lại được với các thành viên trong gia đình.
Câu chuyện thứ nhất là về một người mẹ và cậu con trai “nghiện game” của mình. Sau khi dùng rất nhiều cách nhưng bất lực, người mẹ này đã tìm đến Tài Năng Việt và gặp tôi. Sau khi được tôi hướng dẫn, người mẹ đã áp dụng và thành công hơn những gì chị ấy mong đợi.
Không như mọi khi, lúc đi làm về thấy con trai vẫn mải chơi game, thay vì chửi mắng, quát nạt, lăng mạ, người mẹ gọi cậu con trai đang mải chơi game ra, nhìn thẳng vào mắt con và nói “mẹ muốn nói chuyện với con” với ánh mắt nghiêm túc nhưng bình an và giọng điệu nhẹ nhàng và dứt khoát.
Cậu con trai đứng dậy. Người mẹ choàng tay ôm con, im lặng không nói gì. Người con ngạc nhiên, bối rối muốn đẩy mẹ ra nhưng ánh mắt bình an và có gì đó rất nghiêm túc của người mẹ đã khiến con để im. Người mẹ cứ im lặng ôm con như vậy với tình yêu và tình thương con trào dâng. Cảm nhận cơ thể con thân quen như hồi bé xíu mẹ vẫn bế bồng cả ngày, ôm ấp, vuốt ve, cho con từng giọt sữa...
Một cái ôm bằng tình yêu sâu lắng thực sự mà đã lâu rồi người mẹ chưa làm được bởi mẹ còn mải đòi hỏi con, mải quát mắng con, mải lao vào các vòng xoáy bộn bề của cuộc sống. Sau đó, người mẹ đẩy nhẹ con ra, nhìn thẳng vào mắt con lần nữa và bằng tất cả tình yêu thương nói với con: “Mẹ chấp nhận và yêu con như con vốn thế”. Đã lâu lắm rồi, sau một thời gian dài không thể gần gũi tâm sự với mẹ, cậu nhìn mẹ và nước mắt trào ra...
Giây phút người mẹ thốt lên 10 chữ khiến cho cậu con trai khựng lại và cảm nhận được tình yêu bên trong mẹ. Bởi thực ra, cậu con trai một thời gian dài lao vào game do không được bố mẹ quan tâm, không có người chia sẻ, không được ghi nhận trong cuộc sống thực...và sâu xa nhất là thiếu tình yêu. Cái ôm đó giúp cho cậu con trai cảm nhận được sự ấm ấp, một tình yêu chân thật từ mẹ.
Sau cái ôm thuần thiết đó, họ đã có thể nói chuyện với nhau, chia sẻ các vấn đề với nhau và tôi biết đến bây giờ cậu thanh niên đó rất trưởng thành và người mẹ ấy năm nào cũng gọi điện cảm ơn tôi. Câu chuyện này dù được nghe lại nhưng lần nào kể tôi cũng vô cùng xúc động vì đơn giản tôi cũng là một người mẹ.
Câu chuyện thứ 2, có một đôi vợ chồng xảy ra “chiến tranh lạnh” đã 3 ngày vì người chồng đã trót to tiếng: “Tôi ngột ngạt với cô quá rồi” do cảm giác bị vợ kiểm soát chặt. Sau khi được tôi chia sẻ, người chồng về thực hành. Tối đi ngủ, anh chồng từ từ kéo người vợ đang nằm quay lưng lại, ôm vào lòng trong im lặng.
Anh có kể lại rằng, cảm giác yêu và thương, xen chút xót xa trong anh trỗi dậy: “Vợ mình đã quá thiếu thốn tình thương thuở nhỏ nên luôn sợ mất đi người thân yêu và mình đã từng hứa sẽ luôn yêu thương cô ấy. Vậy mà đã từ lâu rồi mình đã không dừng lại để tự hỏi cảm xúc thật của cô ấy là gì, mình chỉ khó chịu mỗi khi cô ấy hỏi đang ở đâu, làm gì, mỗi khi bị hỏi hết điều nọ điều kia". Trong yêu thương, một chút ân hận, anh chồng nhìn vào mắt vợ và nói: “Anh chấp nhận và yêu em như em vốn thế”.
Sau câu nói ấy của anh chồng, người vợ lâu lắm rồi mới cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu và sự chân thành đến thế từ chồng. Không biết nói gì, vợ ôm chồng và khóc như chưa bao giờ được khóc, bao nhiêu tủi hờn theo dòng nước mắt cuốn trôi... Sau đó, quan hệ của hai người đã được hàn gắn một cách trọn vẹn nhất.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tình huống mà mối quan hệ với người thân yêu được hoá giải bằng 10 chữ: “Bố, mẹ, anh, em chấp nhận và yêu con, em, anh như vốn thế”.
Phóng viên: Tôi có thể hiểu là bí quyết của chị là giúp cho mọi người biết chấp nhận và yêu vợ, chồng hoặc con cái của mình như vốn có. Nhưng như thế có đồng nghĩa với việc “dung túng” cho những cái chưa tốt của họ?
Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền: Tôi biết phóng viên sẽ hỏi câu này vì thực ra mỗi lần tư vấn phương pháp này rất nhiều người đã thắc mắc như vậy. Tôi muốn chia sẻ kỹ hơn rằng, đó là hành trình, bước đầu tiên cho việc muốn cải thiện một mối quan hệ nào đó. Đằng sau câu nói này là năng lượng của sự chấp nhận bằng tình yêu thương, không phải sự miễn cưỡng.
Một khi bạn chấp nhận như vậy thì bạn sẽ trở nên ít phán xét hơn, bạn luôn cố gắng nhìn hành động của đối phương ở góc độ tích cực và thấu hiểu được lý do tại sao vợ hoặc chồng, con cái của mình lại làm như thế. Và như phóng viên thấy, cả hai câu chuyện trên chứng minh cho một điều duy nhất: Họ đang thiếu tình yêu. Con thiếu tình yêu của mẹ và vợ thiếu tình yêu của chồng cho nên mới sinh ra như vậy. Mà thiếu thứ gì ta bù đắp thứ đó thì sớm muộn mối quan hệ cũng sẽ cải thiện và tốt hơn.
Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 là “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” (Ảnh minh họa) |
Phóng viên: Thực sự rất thú vị. Vậy nhân ngày Gia đình Việt Nam năm nay, điều mà chị muốn nhắn nhủ nhất đối với mỗi người là gì ạ?
Chuyên gia tâm lý Bùi Thu Hiền: Trong bối cảnh Covid-19 hiện nay tôi biết những mâu thuẫn mới trong nhiều gia đình cũng đã xuất hiện. Dịch bệnh khiến cho mọi thứ đình trệ, nhiều kế hoạch bị hủy bỏ, tài chính bị thâm hụt, có người đầu tư do Covid còn trắng tay, công việc có thể bị mất, rồi con cái học hành online cũng khiến chúng ta thấy mệt mỏi, chán nản. Đó là tâm lý chung của đa số mọi người. Nếu nghĩ một cách rộng hơn thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều người, nhiều gia đình đang bị ly tán vì Covid-19. Có thể phải cách ly cả tháng trời hoặc thậm chí đã mất đi vĩnh viễn người thân của mình. Đó chắc chắn không còn mất mát nào lớn hơn mà họ vẫn phải chấp nhận.
Vì thế, tôi nghĩ chỉ cần gia đình được ở bên nhau đã là một điều may mắn, hạnh phúc nhất lúc này. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ bớt “cằn nhằn” vì những điều không như ý xảy ra trong cuộc sống. Điều đó sẽ giúp cho mỗi gia đình trở nên bình an giữa thế giới mọi thứ biến động liên tục như hiện nay vì sau dịch Covid-19 không ai dám đảm bảo sẽ không có những điều tồi tệ hơn xảy ra.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này. Chúc chị và gia đình một ngày Gia đình Việt Nam thật nhiều bình an và hạnh phúc!