Bất ngờ "Tiếng đời" của Hồng Vinh
Nguyễn Hồng Vinh và những vần thơ... thành nhạc vút “Bên trời” |
Phong cách lạ, nhịp thơ cũng lạ, không giống với một Hồng Vinh nguyên tắc, chuẩn mực, ưa triết lý, đậm chất thế sự mà tôi đã biết. Dường như, từng câu từ đều được viết bằng sự trải nghiệm, suy ngẫm, vượt chiều không gian, thời gian, được chắt lọc đến tận cùng ẩn ý.
Nỗi đau đời, thương người, cám thán trước nhân tình thế thái đi vào thơ Hồng Vinh không lẹ làng mà đau đáu, trăn trở một nỗi niềm. Giọng thơ ấy, phong cách ấy trở thành hoài niệm trong "Tiếng đời".
"Tiếng đời" của thi sĩ Hồng Vinh mênh mang cõi thiền (Ảnh minh họa) |
Có lẽ, đây là lần đầu tiên nhà thơ mang cảm xúc mênh mang của dòng thiền vào thơ. Cái “buồn tênh” nhẹ bẫng khi buông bỏ khởi đầu cho triết lý vô thường nơi cửa Phật. Vạn vật thế gian đều vô thường, đời người vô thường, vậy cơn cớ chi tình yêu bất vô thường. Rất khéo léo và cũng vô cùng tự nhiên, tác giả đã thâm nhập vào thế giới tâm vô thường để hiểu về em, về thế giới tưởng như bình lặng, vô thường nơi em.
Những ngày buồn tênh bên biển
Dường như sóng trốn biệt tăm
Tha thẩn trên bờ cát mịn
Quên đi cả những tiếng chim!
Cuộc sống có sôi động, cảnh biển có lãng mạn, nên thơ cũng chẳng đủ làm em bận tâm. Em chọn đi bên đời mà không dính mắc duyên đời, sự đời, nên sóng cũng trốn, tiếng chim ríu rít reo ca cũng bặt, đến cả mưa, cả nắng “Với em tất cả vô thường!”.
Em lơ đãng nhìn trời xanh
Xa xa cánh buồm đơn chiếc
Trời dù mưa, hay chói nắng
Với em tất cả vô thường!
Có chút hờn giận chi đây? Phải chăng sự vô thường, hờ hững nơi em là nguyên cớ khiến người hụt hẫng? Cảnh đời đẹp, nhưng tĩnh lặng, nhuốm màu cô đơn. Từ “tha thẩn”, “lơ đãng”, “đơn chiếc” quả là khéo tạo hình, khéo gợi người ta có cảm giác chính tác giả đang nao lòng thương, nao lòng nhớ, vậy mà em… vẫn vô tình.
Buông tiếng thở dài trong nỗi niềm cảm thán “Với em tất cả vô thường!”. Không gian thiền mênh mang. Nhịp điệu thiền trôi chầm chậm. Ý niệm về cuộc sống vô thường giúp em bình thản đến lạ kỳ. Vạn vật đều thay đổi, đâu có gì vĩnh cửu, chắc chắn. Tưởng như ý niệm vô thường kiến tạo bức tường thành chắc chắn ngăn một khoảng trời riêng em. Nhưng… Đột ngột… Tim “rộn đập”, “xốn xang”. Chỉ bằng hai động từ, bức tường thành tưởng như vô cùng kiên cố đã lung lay. Tiếng lòng chợt tỉnh thức.
Cơ man kỷ niệm nhớ thương
Em từng đào sâu chôn chặt
Chiều nay bỗng tim rộn đập
Gọi về hoài niệm xốn xang…
Em gửi tấm hình cho anh
Không kèm một dòng tin nhắn
Phải chăng TIẾNG LÒNG lay thức
Nén dồn trăn trở nhiều đêm?!
Cái hay trong thơ Hồng Vinh chính là cách lựa từ, lặt từ. Nó tinh tế, biến hóa đến mức khiến người đọc rơi vào trò chơi của nghệ thuật ngôn từ. Thử ngẫm về “TIẾNG LÒNG lay thức” mới thấy hết được chiều sâu của sự cô đọng. Tính tạo hình, tính động trong ngôn từ chỉ có thể cảm, khó diễn tả bằng lời. Đến đây thì “những giờ thiền dài dặc” không buông nổi, không “đào sâu chôn chặt” được nữa. “Cơ man kỷ niệm nhớ thương” ùa về, tràn về, làm bật tung cánh cửa thiền vốn cài then, chốt chặt nơi tâm.
Và cảnh “Điện thoại nằm im bất động” đã khéo léo được thay thế bằng hành động “gửi tấm hình cho anh/ Không kèm một dòng tin nhắn”. Hỏi đâu cái tĩnh trong thiền? Hỏi đâu tâm bình thản, vô thường? Em nỗ lực thoát khỏi Tình đời trong tuyệt vọng. Nhưng càng lần chuỗi tràng, càng tụng kinh kệ, càng chìm trong cái “mênh mang trầm mặc”, lửa Tình đời càng bùng cháy, thiêu đốt tâm em.
Em đã đếm bao tràng hạt
Đọc ngàn trang sách thánh kinh
Sân chùa mênh mang trầm mặc
Mà sao chẳng thoát bụi trần?!
“Mà sao chẳng thoát bụi trần?!” Câu hỏi cảm thán là tâm sự của chính em hay là niềm thương cảm của tác giả. Hai tâm hồn tưởng chừng hòa làm một. Sự day dứt, nén dồn nơi em có lẽ cũng là nỗi niềm nén dồn của tác giả. Để rồi “vào một ngày đầu tháng” cái xôn xao, náo nức của Tiếng Đời đã khiến “Em hững hờ trước khói nhang”.
Bỗng vào một ngày đầu tháng
Em hững hờ trước khói nhang
Mải ngắm trời cao xanh quá
Tiếng ĐỜI náo nức, sao ngăn?!...
Kết lại bài thơ bằng “Tiếng ĐỜI náo nức, sao ngăn?!...”. Âm thanh động, hình ảnh động, nhưng cái động ấy là động trong tâm, không phải động ngoại cảnh. Cũng chính cái động ấy đã đưa em từ mênh mang cõi thiền “lơ đãng nhìn trời xanh” trở về với tình đời. “Mải ngắm trời xanh cao quá”.
Mâu thuẫn chăng khi cũng trời xanh đó thôi, có tới hai hành động, hai cảm xúc trái ngược. Đó chính là bước đi, là sự chuyển đổi diệu kỳ trong trạng thái tâm. Thế mới thấy, "Tiếng Đời" của Hồng Vinh sao mà tinh tế, đậm đặc chữ tình đến vậy. Cảm phục ông, một cây viết luôn trẻ trung, tươi mới. "Tiếng Đời" đã mang đến một phong cách rất khác lạ, một không gian mênh mang tĩnh lặng nhưng cuồn cuộn chảy bao tâm sự về cuộc đời, về tình người, về cõi nhân sinh.