Bão số 4 đổ bộ Thanh Hóa-Quảng Bình, giật cấp 11, gây mưa lớn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ứng phó bão số 4
Bài liên quan
Chủ động ứng phó trước cơn bão Bailu
Hậu quả từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững
EVN HANOI đẩy mạnh tuyên truyền an toàn điện mùa mưa bão
Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ứng phó bão số 4.
Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 28/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển hướng Tây (25 km/giờ) và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 29/8, bão cách đảo Hải Nam khoảng 180 km về phía Đông Nam.
Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 4 |
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 150 VB.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc (15 km/giờ) và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ 30/8, bão trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Gió cấp 9-10, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Dự kiến, nếu sớm thì trưa 30/8 hoặc muộn thì đêm 30/8, bão số sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo từ ngày 29/8 đến 2/9, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to. Trong đó, tổng lượng mưa cả đợt từ 250- 400 mm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 4 diễn biến phức tạp, có thể thay đổi do ảnh hưởng của không khí lạnh. Do bão đổ bộ vào chiều tối kết hợp triều cường vào đúng dịp nghỉ lễ 2/9 nên các địa phương cần hết sức quan tâm trong ứng phó chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động triển khai các phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại tính mạng người dân.
Các địa phương không để người dân ở lại tàu bè, chòi canh, tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; Căn cứ diễn bão chủ động cấm biển và thông báo hoạt động trở lại khi bão tan; Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, các công trình, hoạt động kinh tế thương mại ven biển.
Đối với khu vực ven biển và trên đất liền, các địa phương cần rà soát để sẵn sàng di dân ở khu vực có khả năng bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vì nhiều năm qua, thiệt hại do bão không lớn bằng thiệt hại do mưa lũ hoàn lưu bão gây ra.