Báo chí cách mạng - sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Xưa nay, những diễn ngôn thời đại thể hiện tư tưởng cao quý của dân tộc bao giờ cũng được kết tinh, tỏa sáng và âm vang trên diễn đàn văn chương, báo chí. Vượt qua thời gian, ngôn ngữ dân tộc trong văn chương là dòng chảy tinh thần vô tận, chuyên chở phù sa tư tưởng, cảm xúc chân chính, bồi đắp tâm hồn con người. Tác phẩm văn chương phải có sức mạnh của muôn ngàn gươm giáo chĩa mũi nhọn vào cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, đê tiện, phi nghĩa.
Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu thực hiện không nổi nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể thành công”, “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”, “một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô la chi cho quốc phòng”…
Trong đấu tranh cách mạng, nhà báo phải là những chiến sĩ văn hóa dũng cảm, đấu tranh chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quốc gia số, văn hóa số, công dân số, “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; Cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người”. Hơn bao giờ hết, đội ngũ nhà báo với “tâm trong, bút sắc” sẽ dũng cảm, xung kích đi đầu, phát huy sức mạnh của truyền thông đại chúng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới; Đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.
Phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2023 |
Văn chương, báo chí có sứ mệnh vinh quang, cao cả là bảo vệ giá trị chính nghĩa của cách mạng nước ta; Khẳng định thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người; Hướng tới phát triển nhanh và bền vững, xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Văn chương, báo chí nước ta cần phải tiếp tục bồi đắp vững chắc thành lũy tinh thần cách mạng của dân tộc, chặn đứng sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài. Đó phải là công cụ sắc bén của cách mạng trong cuộc đấu tranh vạch trần trước công luận trong nước và quốc tế bộ mặt phi nghĩa, âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phản động, thù địch.
Bên cạnh hoạt động đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, những thói hư tật xấu, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn chương, báo chí cần phải có cái nhìn toàn diện, khoa học, công tâm, khách quan để phản ánh, thể hiện và biểu dương, lan tỏa nhiều hơn nữa những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến; Khẳng định những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới. Văn chương, báo chí còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tục lan tỏa hình ảnh chính nghĩa của Việt Nam, lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; Thiết thực phát huy sức mạnh mềm của đất nước, tiếp tục bồi đắp thành lũy, nền tảng tinh thần cách mạng kiên cường của dân tộc, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Để lan tỏa những tác phẩm văn chương, báo chí đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế, trách nhiệm không chỉ ở các nhà văn, nhà báo mà đòi hỏi mỗi chúng ta phải có trách nhiệm trong việc lan tỏa thông tin tích cực.
Mỗi chúng ta có thể sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước thông qua các tác phẩm văn chương, báo chí. Điều này hiện có thể được thực hiện dễ dàng bởi hầu hết chúng ta đều có ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Một số người còn có nhiều tài khoản đồng thời ở Facebook, Instagram, Zalo, Twitter…
Chúng ta cũng có thể đăng trên các trang diễn đàn (trên mạng internet hoặc các nền tảng mạng xã hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin tích cực mà mình có căn cứ xác thực là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.
Ngoài việc chia sẻ, lan truyền những tác phẩm hay, những thông điệp tích cực, chúng ta hãy bày tỏ cảm xúc ở mỗi bài viết và bình luận, tương tác với tác giả nhằm động viên, khuyến khích các nhà văn, nhà báo tiếp tục cống hiến và cho ra lò những sản phẩm mới có giá trị tốt đẹp hơn. Đồng thời, chúng ta tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin, bài viết, thông điệp tích cực… làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn. Điều này không chỉ giúp người khác thưởng lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động của họ, từ đó có thêm những hành động tích cực khác.
Khi tham gia sử dụng mạng xã hội, mỗi chúng ta hãy phát huy trách nhiệm trong chia sẻ, lan tỏa, phủ xanh thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, như lời đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từng nhắn nhủ: Nếu mỗi một người dùng smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một video tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn, tạo nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Ðảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.