Bán quần áo in hình tiền Việt Nam có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Những ngày qua, trên mạng xã hội có một số cá nhân rao bán sản phẩm quần áo (gọi là “bộ tiền tài lộc”) in hình ảnh các loại tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng đang lưu hành tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những bộ quần áo in hình ảnh tiền được giới thiệu có đủ các kích cỡ theo nhu cầu của người mặc, giá dao động từ 120-180.000 đồng/bộ. Không ít người đã đặt hàng, một phần vì tò mò, hiếu kỳ, một phần vì hi vọng khi mặc bộ quần áo này “tài lộc sẽ đến ào ào, tiền vào như nước” như lời quảng cáo của những người rao hàng.
Tuy nhiên, nhiều người dân sau khi xem thông tin này cũng tỏ ra thắc mắc về việc, liệu người bán và người mua sử dụng các loại quần áo in hình tiền Việt Nam các mệnh giá khác nhau như vậy có vi phạm pháp luật hay không? Nếu bị xử lý thì theo quy định nào và mức xử phạt là bao nhiêu?
Hành vi in ấn hình ảnh tiền Việt Nam lên trang phục (quần áo) là hành vi vi phạm pháp luật |
Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, tiền Việt Nam bao gồm tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Hành vi in ấn hình ảnh tiền Việt Nam lên trang phục (quần áo) là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Thị Thu, tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định, “nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.
Do vậy, việc in ấn, bày bán các sản phẩm đã nêu sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) về hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật với mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi, lên tới 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được.
Việc in ấn, bày bán các sản phẩm đã nêu sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP |
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, mặc dù khi in hình tiền Việt Nam trên quần áo để bán, cá nhân, cơ sở in ấn đã không in hình ảnh Bác Hồ lên các sản phẩm này song cơ quan chức năng vẫn có đủ căn cứ để xử phạt do các đối tượng đã sử dụng bố cục một phần, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định.
Về trách nhiệm hình sự, theo Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trưởng Bộ môn Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM), hiện nay Bộ Luật hình sự chưa có điều luật tương ứng để xử lý đối với loại hành vi này. Tuy nhiên, khi phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính.
Đối với người sử dụng quần áo có in một phần, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam, mặc dù quy định không nói đến hành vi của khách hàng, nhưng người dân không nên mua và sử dụng sản phẩm vi phạm, vì như vậy vô tình tiếp tay cho hành vi sai phạm.