Ban nhạc Medley Melody nỗ lực hết mình, lan tỏa tình yêu âm nhạc
Lộ diện 7 ban nhạc xuất sắc nhất vào chung khảo |
Ngày 14/4 tới, chung kết Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội sẽ diễn ra nhưng ở trường lại có kỳ thi quan trọng nên thầy và trò Ban nhạc Medley Melody, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa chỉ có vẻn vẹn 5 ngày để chuẩn bị cho buổi biểu diễn.
Là một thành viên của ban nhạc, Lại Gia Huy (học sinh lớp 12, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa) cho biết: “Để được vào chung kết, cả đội đã cùng nỗ lực trong suốt hai tháng qua. Để không ảnh hưởng đến việc học, các thành viên tranh thủ luyện sau giờ học. Điều chúng mình cảm thấy thú vị nhất khi tham gia liên hoan đó là được gặp gỡ bạn bè cùng đam mê, rèn luyện khả năng làm việc nhóm”.
Thành viên Ban nhạc Medley Melody, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa tham gia biểu diễn |
Huy cho biết thêm, để chuẩn bị tốt cho chung kết liên hoan, dưới sự định hướng của thầy cô, các thành viên trong ban nhạc đã thảo luận chọn bài biểu diễn. Cả đội quyết tâm nỗ lực hết mình nhưng không đặt nặng thành tích bởi đây là sân chơi lý thú, giúp học sinh thư giãn sau những giờ học tập.
Cùng chung suy nghĩ, Bùi Hoàng Lê Anh, thành viên Ban nhạc Medley Melody trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích từ Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội. Trong đó, Lê Anh học được cách làm việc nhóm, tự tin hơn khí đứng trước đám đông. Theo cậu học trò này, đây đều là những kỹ năng cần thiết để một học sinh phát triển toàn diện bên cạnh kiến thức thầy cô trao cho.
“Chúng mình sẽ chuẩn bị tốt nhất cho chung kết Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội. Qua các tiết mục biểu diễn chúng mình cùng lan tỏa tình yêu âm nhạc đến những bạn trẻ khác”, Lê Anh cho biết.
Các thành viên ban nhạc coi đây là cơ hội để học hỏi |
Anh Vũ Mạnh Đức, giáo viên âm nhạc, chủ nhiệm Câu lạc bộ Âm nhạc trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa là người đồng hành cùng các thành viên trong suốt chặng đường vừa qua. Theo anh Đức, ban nhạc mới chỉ được thành lập cách đây hai tháng trước khi “Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội” diễn ra. Tuy nhiên, các thành viên đều được tuyển chọn từ những người xuất sắc của Câu lạc bộ Âm nhạc trường. Ngoài khả năng ca hát, các thành viên ban nhạc phải là người có thái độ tốt, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Nhờ việc cùng là thành viên Câu lạc bộ Âm nhạc nên dù Medley Melody mới thành lập nhưng các thành viên có thể kết hợp ăn ý với nhau.
“Câu lạc bộ Âm nhạc trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa ra đời vào năm 2010 từ sáng kiến của Ban Giám hiệu nhà trường. Đây là nơi các bạn học sinh có thể gặp gỡ, giao lưu, cháy hết mình cùng đam mê âm nhạc và giải tỏa áp lực căng thẳng sau những giờ học trên lớp. Đây cũng là nơi để các bạn phát huy năng lực chuyên biệt, thể hiện tài năng âm nhạc của mình. Cho đến bây giờ, đó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động câu lạc bộ”, anh Mạnh Đức chia sẻ.
Nhóm nhạc thuộc Câu lạc bộ Âm nhạc trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa biểu diễn tại Ngày hội Học sinh 3 tốt |
Điểm đặc biệt của Câu lạc bộ Âm nhạc trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa chính là các thành viên được học tập như các môn văn hóa khác. Để tạo môi trường cho học sinh rèn luyện phát triển, ngoài các buổi sinh hoat, mỗi tuần câu lạc bộ sẽ tổ chức một “liveshow” nhỏ vào giờ ra chơi. Đây là dịp để các thành viên thể hiện ca khúc yêu thích đồng thời có được sự tự tin trước đám đông.
Quá trình hoạt động của câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, đặc biệt là cô giáo Hiệu trưởng Cao Thanh Nga. Cô cũng chính là người thực hiện triết lý xây dựng trường học hạnh phúc. Đó cũng là lý do, khi tham gia Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội, ban nhạc của trường luôn nhận được sự đồng hành, quan tâm đặc biệt của thầy cô.
Nhóm nhạc thuộc Câu lạc bộ Âm nhạc trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa biểu diễn tại trường |
“Ngay tại vòng sơ khảo, cô Hiệu trưởng, thầy giáo phụ trách công tác Đoàn Thanh niên… đã cùng ngồi lại với chúng tôiđể lựa chọn bài hát sao cho vừa phát huy khả năng của học sinh vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sự mộc mạc đơn giản của các bạn học sinh để truyền tải những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc mới là thứ quý nhất mà nhà trường muốn gửi tới Liên hoan. Sự đồng hành đó giúp thầy trò chúng tôi tự tin hơn khi tham gia liên hoan.. Đó cũng là động lực để các em học sinh luôn tự trau dồi kỹ năng chuyên môn cho bản thân, học tập và chỉ bảo nhau về những kiến thức mới học được”, anh Mạnh Đức cho biết.