Bài 4: Quên hiểm nguy, nhọc nhằn vì sức khỏe nhân dân
Đội phản ứng nhanh với dịch bệnh của quận Long Biên luôn sẵn sàng xung kích sức khỏe của nhân dân
Bài liên quan
Chúng ta có thể phải tiếp tục hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân
Phát động cuộc thi phóng sự phát thanh, truyền hình về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân
Hà Nội: Các bệnh viện tăng cường công tác y tế phòng, chống nắng nóng
Trắng đêm khoanh vùng
Nguyễn Thi Hào, bác sĩ trẻ dịch tễ tại Trung tâm Y tế quận Long Biên năm nay 30 tuổi. Từ hai tháng nay, anh ở luôn tại chỗ làm để phục vụ công việc một cách tốt nhất.
Công việc hằng ngày của bác sĩ Hào là thực hiện điều tra dịch tễ người liên quan, mức độ lây lan, khoanh vùng cách ly sớm, đề xuất xét nghiệm sàng lọc cộng đồng…
Bác sĩ Nguyễn Thi Hào cùng đồng nghiệp trong đội phản ứng nhanh đến hộ gia đình điều tra về dịch bệnh |
Anh Hào nhớ lại hôm 26/3, khi Bộ Y tế thông báo có hai ca tại quận Long Biên dương tính với virus SARS-CoV-2 (Covid-19), lúc đó, quận đã kích hoạt đội phản ứng nhanh. Ngay lập tức, bác sĩ Hào cùng cả đội xuất phát đến gặp trực tiếp trường hợp F1 để điều tra dịch tễ, khám lâm sàng…
Sau khi làm việc, xét thấy trường hợp này dù chưa có biểu hiện lâm sàng nhưng nguy cơ nhiễm dịch cao, cả nhóm thống nhất lấy mẫu xét nghiệm, đưa bệnh nhân đi cách ly tại bệnh viên. Hôm sau, kết quả thông báo về, người này dương tính với virus SARS-CoV-2.
“Sau khi khoanh vùng, chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để đưa bệnh nhân vào. Trong khi chờ Trung tâm cấp cứu 115 đến vận chuyển bệnh nhân, chúng tôi vẫn phải ứng trực tại chỗ để đảm bảo người bệnh không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với mọi người. Hôm đó, chúng tôi đã làm xuyên đêm”, bác sĩ trẻ cho hay.
Cán bộ y tế cơ sở khám lâm sàng cho nhân dân ngay tại điểm kiểm tra dịch tễ |
Chia sẻ về công việc, bác sĩ Hào cho hay: “Công việc thực tế rất vất vả và áp lực, khác hoàn toàn suy nghĩ của tôi khi còn ở trên giảng đường đại học. Tôi thấy công việc phòng chống dịch tuyến cơ sở rất quan trọng. Vì tuyến đầu là sàng lọc và điều trị, còn thực hiện điều tra dịch tễ, người liên quan, mức độ lây lan, khoanh vùng cách ly sớm, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng là y tế cơ sở thực hiện. Chúng tôi phải làm nhanh, hiệu quả và chính xác trong vòng 6 tiếng”.
Dù vất vả là vậy nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thi Hào vẫn khẳng định: “Tôi không lo sợ khi trực tiếp tiếp xúc với người bệnh. Tính chất công việc dịch tễ là như thế. Điều quan trọng là chúng tôi được trang bị kiến thức về dịch Covid-19. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này”.
Trong những ngày đội phản ứng nhanh với dịch Covid-19 của quận Long Biên được kích hoạt, hầu như bác sĩ Hào và cả đội đều không ngủ. Anh cũng như các bác sĩ cơ sở khác đều tâm niệm, phải làm triệt để, càng nhanh càng tốt, mỗi người làm một việc từ điều tra dịch tễ, khoanh vùng đến lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm…
“Làm luôn trong đêm để có kết quả tốt nhất, mình càng khoanh vùng, cách ly sớm thì dịch bệnh sẽ không lây lan nhanh. Với những trường hợp không có biểu hiện lâm sàng hay những ca F sau này thì chúng tôi có thời gian ngủ, khoảng 4 - 5 tiếng/ngày (bao gồm cả ngủ trưa)”, bác sĩ Hào cho biết.
Không dám về nhà vì sợ lây nhiễm
Là cán bộ vòng 1 làm việc 24/24 giờ, bác sĩ trẻ và cả đội phản ứng nhanh với dịch Covid-19 ở luôn tại trung tâm, không về nhà.
Bác sĩ Nguyễn Thi Hào tại Trung tâm Y tế quận Long Biên |
“Không về một phần do tôi lo lây nhiễm chéo cho mọi người, mặt khác công việc quá nhiều, dồn dập, thời gian rảnh hầu như không có. Bên cạnh đó, tiếp xúc với ca dương tính, chúng tôi phải cách ly, tự theo dõi tại cơ quan”, anh Hào chia sẻ.
Cũng theo vị bác sĩ trẻ, ra tiền tuyến chống dịch, anh không cảm thấy run sợ, đặc biệt anh còn làm việc hăng say, quên ăn, quên ngủ. Đó là vì yêu nghề và trách nhiệm trong công việc.
Hai vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thi Hào làm cùng khoa, cùng cơ quan nhưng cả ngày không nhìn thấy mặt nhau. Bởi vì bác sĩ trẻ Hào phải làm trong một khu riêng biệt. Nhớ vợ và thương con thơ nhưng công việc nhiều nên anh tạm thời quên được. Tuy nhiên mỗi khi ngồi ăn cơm hay đêm về, Hào lại nhớ da diết tiếng bi bô của đứa con gái hơn 3 tuổi đang tập nói và tiếng cười khanh khách của cậu con trai thứ 2 mới 11 tháng. Thương người vợ trẻ dù ngay gần đó nhưng họ cũng chỉ đứng từ xa nhìn nhau…
Chỉ tận dụng được lúc đêm về, Hào mới chat video để được nhìn những gương mặt thân yêu và nói chuyện thủ thỉ. “Mỗi lần chat video, nhìn con gái nhỏ lủi thủi một mình cứ đòi bố về, rồi cháu nói “con đợi bố về mới ngủ”, lúc đó tôi cảm thấy nhớ con kinh khủng, chỉ muốn chạy ngay về ôm con vào lòng và vỗ về chúng.
May mắn là vợ rất hiểu tính chất công việc của chồng nên luôn an ủi, động viên. Vì vậy, tôi luôn yên tâm cống hiến cho công việc mình đam mê.”
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cùng đồng hành với những y, bác sĩ trực tiếp thăm khám, chữa trị cho người bệnh thì những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém.
Bên cạnh việc phải đến từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh thì họ cũng là những người trực tiếp đi vào vùng dịch và tiếp xúc với người bệnh. Vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm từ ổ dịch, bác sĩ Nguyễn Thi Hào và những cán bộ y tế dự phòng quận Long Biên vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
(Còn nữa)