Bài 3: Hà Nội vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Giám sát nguồn gốc thực phẩm từ đầu vào
Hà Nội là một trong những địa bàn tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước trong dịp Tết. Do đó, bên cạnh sự phong phú về mẫu mã sản phẩm, sự đa dạng về chủng loại thì việc kiểm soát nguồn gốc chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) cũng không đơn giản.
Chia vẻ với báo chí về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, thực phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến tại các cơ sở trên địa bàn. Khâu hậu kiểm cũng được chú trọng để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Thời gian cao điểm kéo dài đến hết ngày 25/3/2021.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào (vật tư nông nghiệp) đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Trong đó, thành phố tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như rau, thịt, cá...
Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Mall |
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 5846/UBND-KGVX về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021 với mục tiêu: Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021. Theo đó, khi phát hiện ra các cơ sở vi phạm ATTP thì ngoài việc xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng chức năng sẽ tiến hành công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm cho người tiêu dùng biết.
Chị Nguyễn Minh Trang, ở phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi nghĩ việc công bố thông tin về các cơ sở vi phạm cho người tiêu dùng biết mang tính răn đe rất lớn. Điều này giúp người tiêu dùng có thông tin, tránh mua sản phẩm hàng hóa kém chất lượng ở những cửa hàng đó. Đối với các cơ sở kinh doanh, nếu có nhen nhóm việc buôn bán thực phẩm chưa rõ nguồn gốc hoặc không an toàn cũng sẽ phải cẩn trọng và tìm cách thay đổi. Tôi nghĩ điều này rất tốt”.
Rốt ráo thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP
Theo kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, từ ngày 15/12/2020 đến hết 25/3/2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ tập trung thanh, kiểm tra trong dịp Tết và lễ hội xuân. Trọng tâm kiểm tra là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...
Các đoàn thanh, kiểm tra của thành phố sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn; Các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; Các đoàn cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Việc thanh, kiểm tra đã được tiến hành và cho những kết quả nhất định. Theo kết quả cuộc điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP Tết của thành phố Hà Nội ngày 12/1/2021 tại quận Tây Hồ, trong 182 cơ sở bị kiểm tra có một trường hợp bị xử phạt với số tiền 11 triệu đồng; Đồng thời tiêu hủy hàng hóa trị giá 14,6 triệu đồng.
Cũng trong ngày 12/1, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội đã tiến hành xử phạt 70 triệu đồng đối với Công ty THHH Gaon Food (địa chỉ tại đường Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Niêm, Hà Nội) về hành vi “Hàng thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành tiêu hủy trên 1,1 tấn hàng hóa thực phẩm thu giữ tại Công ty TNHH Gaon Food.
Trước đó, ngày 31/12/2020, Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho đông lạnh ở đường Lương Thế Vinh (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm). Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện trong kho hàng có chứa mực một nắng, cá bò khô, cá ngừ, cá thu, táo khô, mực khô xé, thịt lợn đóng khay, thịt lợn, ớt bột... không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số hàng thu giữ trên 1,1 tấn.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, năm nay, ngoài việc kiểm tra công tác bảo đảm ATTP, chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng phục vụ Tết, cơ quan chức năng còn tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kế hoạch, lực lượng chức năng của thành phố sẽ lấy 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng khi mua sắm |
Bác Hoàng Tuấn Hưng (ở phố Ngụy Như Kon Tom, quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: "Năm nay, tôi thấy yên tâm hơn nhiều khi lực lượng chức năng vào cuộc và đã phát hiện các vụ việc vi phạm, giúp cho người dân tin tưởng hơn khi lựa chọn thực phẩm. Tuy nhiên, để vấn đề ATTP được đảm bảo thì rất cần sự tử tế trong kinh doanh, sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp về ngành hàng thực phẩm”.
Để đảm bảo cho người dân Thủ đô đón Tết, vui xuân an toàn, không chỉ cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra từ phía cơ quan chức năng, các nhà sản xuất cũng cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, ở góc độ người tiêu dùng, khi mua sắm, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, tránh ham rẻ, để đảm bảo ATTP cho gia đình và những người xung quanh.