Bài 3: “Chiến binh áo trắng" nơi đầu tuyến
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang trao đổi với bệnh nhân
Vừa là thầy, vừa làm “chiến binh”
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang hiện là Phó trưởng Bộ môn Truyền nhiễm, trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Năm 2015, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và sinh hoạt tại chi bộ thuộc trường Đại học Y Hà Nội. Vừa là giảng viên giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên trường y, tiến sĩ Giang còn là bác sĩ nơi tuyến đầu chống các loại dịch bệnh từ năm 2007 đến nay.
Những tưởng đã thở phào nhẹ nhõm khi gần một tháng trong giai đoạn đầu căng mình chống dịch, hầu hết bệnh nhân Covid-19 lần lượt nhận kết quả xét nghiệm âm tính và xuất viện. Chưa kịp nghỉ ngơi, anh Giang cùng đồng nghiệp lại bắt tay ngay vào giai đoạn hai của “cuộc chiến” đầy cam go này.
Là Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, bác sĩ Trần Văn Giang ít khi phải đích thân tham gia vào ca trực muộn, trừ khi có bệnh nhân nặng cần theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, anh đồng hành cùng đồng nghiệp theo dõi và túc trực tại bệnh viện mỗi ngày. Trách nhiệm với công việc, vì nhân dân phục vụ là “nguyên lý” sống của người đảng viên, “chiến binh áo trắng” nơi tuyến đầu này.
Bác sĩ Giang chia sẻ: “Nếu coi mỗi bác sĩ là một người lính trong cuộc chiến chống dịch, thì chiến tuyến của tôi và các đồng nghiệp chính là khu vực cách ly của bệnh viện. Toàn bộ y tá, điều dưỡng và bác sĩ được chia ca túc trực hằng ngày, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân tại đây”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hai của cuộc chiến chống lại Covid-19, khoa Virus - Ký sinh trùng cùng thực hiện nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân dương tính với chủng virus mới SARS-CoV-2.
Anh Giang kể, trước khi tiếp nhận người đến xét nghiệm và cách ly bởi dịch bệnh Covid-19, toàn bộ bệnh nhân đang điều trị trước đó đã được chuyển sang khoa khác. Phòng bệnh được khử trùng sạch sẽ, giường bệnh bỏ bớt ra để đảm bảo khoảng cách, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đội ngũ y bác sĩ luôn cố gắng chuẩn bị chu đáo để chống dịch.
Việc khó khăn là thuyết phục người bệnh nằm trong phòng cách ly chờ đợi đến khi nhận được kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân thường sốt ruột, muốn có kết quả thật nhanh. Thời gian đầu, anh Giang cũng như các y, bác sĩ thực sự căng thẳng vì số người nằm chờ kết quả xét nghiệm ở khoa rất đông. Không chỉ vậy, bệnh nhân ở luôn khu vực cách ly để điều trị nên áp lực với những nhân viên y tế, đặc biệt với các bác sĩ khá lớn.
Y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nơi anh Trần Văn Giang công tác chúc mừng bệnh nhân xuất viện |
Dù điều gì xảy ra vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ
Tiến sĩ Giang bày tỏ, dù đã trải qua những cuộc chiến chống dịch bệnh H5N1, MERs và một số bệnh truyền nhiễm khác nhưng anh vẫn không khỏi lo ngại khi liên tục tiếp nhận các thông tin về số ca nhiễm bệnh, số ca được chẩn đoán mới và những người tử vong liên tục tăng lên ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy...
Bên cạnh đó là nỗi lo lắng bởi sự ám ảnh về dịch SARS năm 2003 có sự lây nhiễm đối với các nhân viên y tế trong quá trình điều trị, chẩn đoán cho bệnh nhân.
Anh không muốn bất kỳ nhân viên y tế nào gặp rủi ro khi hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. Vì vậy, bác sĩ Trần Văn Giang và các cán bộ, y bác sĩ phải nhắc nhở nhau hằng ngày về việc mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Các yêu cầu mở cửa phòng bệnh cho thông thoáng nhưng vẫn phải đảm bảo giữ ấm cho bệnh nhân, sát khuẩn rác thải trước khi thu gom cũng được thực hiện nghiêm túc.
Dù tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trong cùng một thời điểm nhưng tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang và các nhân viên ở bệnh viện vẫn vui vẻ. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ tối đa bệnh nhân giải quyết những yêu cầu riêng.
Có những bệnh nhân yêu cầu cao về khẩu phần ăn hoặc thèm những món không có trong thực đơn, bộ phận điều dưỡng đi mua bằng được. Các y, bác sĩ còn nhường hết phần thức uống tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân. Mọi công đoạn chăm sóc người bệnh được thực hiện chu đáo từ những điều đơn giản nhất.
Khi khoa Virus - Ký sinh trùng điều trị bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19, việc chăm sóc những bệnh nhân này cũng trở nên đặc biệt, khi tất cả đội ngũ y tá, bác sĩ, điều dưỡng phải trang bị đồ bảo hộ kín trong quá trình điều trị cho họ. Tuy nhiên, các "chiến sĩ áo trắng" vẫn không một lời kêu ca phàn nàn.
Tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Giữa "cơn bão" bệnh dịch quay cuồng, tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn vững vàng nơi tuyến đầu trên mặt trận đẩy lùi dịch bệnh, dù phải đối mặt với áp lực công việc khổng lồ hằng ngày và thậm chí bị nhiều người “kỳ thị”.
“Tôi và anh chị em đồng nghiệp đã xác định, dù có điều gì xảy ra thì vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ chiến thắng dịch Covid-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác như: Cúm, sốt xuất huyết Dengue, sởi... Đó là ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ “truyền nhiễm”. Đó cũng là tinh thần xung phong, không ngại gian khổ của những người đảng viên”, anh Trần Văn Giang bày tỏ.
(Còn nữa)
Bài liên quan
Bác sĩ lý giải vì sao 30 công dân Việt trở về từ tâm dịch Vũ Hán bị cách ly 21 ngày
Bác sĩ Raphael Kot khẳng định không tham gia tư vấn chống dịch Covid-19 ở Việt Nam
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám tầm soát bệnh lý Glôcôm miễn phí