Bài 2: “Trò chơi điền vào ô trống” vẫn tiếp diễn
Huế: Triệt phá đường dây đánh bạc khủng bằng trò chơi trực tuyến |
Có ô tô mà chẳng dám đi
Anh Thuận có xe ô tô nhưng từ nhà ở Hà Đông lên cơ quan trên phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) thì luôn đi bằng xe máy. Kể cả những ngày mưa, ngày nắng nóng hay thậm chí bão, có việc quan trọng, anh cũng rất hạn chế dùng ô tô. Anh bảo: “Đi xe máy rất tiện lợi, phi cả lên vỉa hè, lách bất cứ chỗ nào chứ ô tô thì… chịu chết”.
Chị Thu (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ rằng mình có giấy phép lái xe ô tô nhiều năm nay, đi về quê hơn trăm cây số chị lái vèo vèo. Đèo núi chị đi được mà đi làm thì không. Bởi lẽ, cơ quan chị nằm tại con phố nhỏ của quận Hoàn Kiếm.
Cứ mạnh ai người nấy đi, xe đạp đi cả vào làn của ô tô |
Cứ mỗi sáng chiều, chen chúc giữa hàng ngàn chiếc xe tiện đâu phóng đấy, tạt đầu, đỗ sát bên sườn, chặn trước chặn sau, chị loay hoay xoay sở với chiếc xe mệt hơn đánh trận, chả thà đi xe máy hay xe bus còn nhàn thân hơn.
Có lẽ, tình trạng của anh Thuận, chị Thu cũng là “nỗi tâm sự bộn bề” của khá nhiều người Hà Nội. Tất nhiên, Hà Nội rất đông xe máy, nhiều ô tô. Mỗi người đều chọn phương tiện giao thông sao cho phù hợp với khả năng và cả… kỹ năng của mình.
Dù vậy, ai cũng phải công nhận rằng, lưu thông trên đường vào lúc tan tầm, tắc đường là cuộc “hành xác” và “đấu trí” thực sự. Lúc đó, tất cả phụ thuộc vào việc ai nhanh tay nhanh mắt (để chọn được chỗ chen lên) và ai “thần kinh thép” hơn (để phán đoán liệu mình chen lên có bị xe chiều ngược lại chèn vào và chịu được những ánh mắt khó chịu của những người xung quanh hay không).
Nhiều người ví von đó là “trò chơi điền vào chỗ trống” mà bất cứ ai cũng hào hứng tham gia hoặc buộc phải tham gia. Cứ tắc đường là mạnh ai người nấy đi, còn chỗ trống nào là xe máy, xe đạp điện “a lê hấp” lấp vào ngay, bất kể đó là làn của ô tô hay xe bus, vỉa hè, chỗ rẽ trái hay rẽ phải…
Người vô ý thức chen lên đã đành, người có ý thức cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Họ phải đi theo dòng, theo vệt nếu không sẽ bị người đằng sau, bên cạnh chen mất, đủn lên hoặc mắng như tát nước vào mặt.
Hậu quả, cảnh sát giao thông, các bác trật tự phường phải mướt mồ hôi để điều tiết các luồng xe như bủa vây tứ phía. Có khi, những người điều tiết giao thông phải “vắt” cái luồng ấy sang bên trái đường để sau đó vòng sang tránh luồng bên kia ào sang quá mạnh; Đôi khi phải hò hét thậm chí mạnh tay với đám đông tràn lên như cả dòng thác.
Với những người “sấn sổ, băm bổ” luôn có tâm lý tắc đường như thế, Cảnh sát giao thông lo điều tiết các luồng xe còn mệt, sức đâu mà xử phạt nên cứ thoải mái chen lấn. Từ đó, những chiếc ô tô to lớn kềnh càng đành “chịu chết” trước hàng ngàn xe máy, lấn từng bước mà đi.
Chỗ nào trống thì "điền" vào |
Trong khi đó, rất nhiều người điều khiển ô tô cũng thiếu kiên nhẫn, thấy chỗ nào trống thì “điền” vào… chẳng cứ gì bên phải, bên trái, làn dành cho ô tô hay xe máy. Có khi, xe đạp ở bên làn của của ô tô, còn ô tô cứ bám sát vỉa hè mà đi. Xe máy thì tiện chỗ nào chen lên chỗ nấy.
Thế là, giờ tắc đường thành một bản hòa tấu lộn xộn, bát nháo. Ai cũng mong sớm thoát khỏi đám đông thành ra thiếu bình tĩnh, mất kiên nhẫn, thiếu cả văn hóa nên nhiều khi chẳng cần biết ý tứ ra sao, cứ được việc mình mà không biết đang làm tình hình rối càng thêm rối.
Ai cũng muốn “nhanh một tí”
Có một điều rất lạ ấy là ai cũng muốn “nhanh một tí”. Rõ ràng tín hiệu giao thông của Hà Nội chỗ nào cũng có đếm giây ngược hẳn hoi, thế mà rất nhiều người tự cho mình quyền quyết định thay đèn xanh, đèn đỏ.
Bên này đèn xanh sắp hết, chuyển sang đèn vàng, người ta vẫn cố lao đi. Trong khi đó, bên kia đèn đỏ còn vài giây người ta cũng không chờ cho hết mà phải vặn ga phóng trước cứ như thể có việc gấp gáp không thể chờ đợi được.
Tất nhiên, trong cả ngàn người đi lại trên đường vẫn có những người vội thật sự. Dù vội lại càng phải tuân thủ nghiêm túc luật giao thông bởi “nhanh một phút chậm cả đời”. Ai cũng muốn “nhanh một tí” như vậy thành ra tại các ngã tư, ngã ba, ngã năm có đèn tín hiệu giao thông nhưng dòng người vẫn cứ đan cài vào nhau, gây khó khăn cản trở cho tầm nhìn của người đi sau, rất dễ gây tai nạn.
Trong khi đó, cái sự “nhanh” này đã tạo thành tiền lệ. Có những người dù chả vội gì cũng cứ đi cố khi đèn đã chuyển sang đỏ hoặc đèn đỏ còn cả chục giây cũng phóng vù đi.
Điều này không chỉ là coi thường pháp luật, coi thường sự an toàn của mình và người khác mà còn là thái độ không tôn trọng chính bản thân mình. Để cho thói xấu lấn át, coi đó là sự vặt vãnh nhưng nếu xảy ra tai nạn, thậm chí mất mạng thì sẽ không còn là chuyện nhỏ nữa.
Tham gia giao thông trên đường tức là tham gia vào một “dòng chảy” mà ở đó mọi tài xế, các phương tiện giao thông có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi cá nhân, mỗi chiếc xe đều phải là một thành phần phối hợp nhịp nhàng với nhau. Người “nhạc trưởng” của bản hòa tấu giao thông ấy chính là pháp luật, là luật giao thông.
Đèn đỏ còn hơn chục giây mà những người này đã chuẩn bị đi |
Linh hồn của “bản hòa tấu” chính là văn hóa của mỗi người tham gia giao thông. Chính nét văn hóa ấy quyết định xem bản hòa tấu đó dù có lúc yên ả êm đềm hay có lúc sôi động náo nhiệt thì vẫn tuân theo một nhịp điệu, một tiết tấu chủ đạo.
Người thiếu ý thức, vô văn hóa sẽ một mình đi lạc khỏi tiết tấu chung, phá vỡ tính thống nhất của chỉnh thể giao thông. Một mình một phách sẽ làm cả dòng chảy nghẽn lại, gây ra những hậu quả khó có thể lường trước.
Ngày nào cũng đi lại như thế, đòi hỏi làm sao có các bản hòa tấu hay tuyệt đối? Không, chẳng có bản hòa tấu nào giống nhau bởi lẽ các cá nhân, những chiếc xe ấy không phải cứ đi cùng với nhau vào một giờ chung, theo một tâm trạng nhất định.
Chỉ có văn hóa giao thông mới là bất biến, nó không thay đổi, không suy chuyển dù dưới bất kỳ tình huống nào. Văn hóa giao thông mới khiến những bản hòa tấu đó thực sự cất cánh, có linh hồn để mỗi chuyến đi là một lần an toàn. Thượng lộ bình an - đó mới chính là bản hòa tấu trọn vẹn.
Nếu không có văn hóa giao thông thì những bản hòa tấu ấy có thể chỉ “ăn may” mà an toàn vài lần hay một vài lần. Đừng để mỗi ngày, mỗi chuyến đi của chúng ta đều dở tệ và mất an toàn đến mức về nhà mới thở phào nhẹ nhõm, thậm chí đã có những chuyến đi mãi không trở về…
(Còn nữa)
Bài 1: Có bao giờ bạn tự hỏi khi ngồi lên xe mình đang thiếu thứ gì? |
Lái xe lấn làn, lấn tuyến: Nguy hiểm khôn lường |
Giám đốc rút súng đe dọa giết người ở Bắc Ninh có thể bị xử phạt tù |