Bài 2: Thiếu căn cứ thuyết phục?
Bắc Kạn: Vụ án trốn thuế tại Công ty CP Khang Thịnh có dấu hiệu oan sai? |
Bị cáo Yến và Thoa khai báo tại phiên tòa sơ thẩm |
Theo quan điểm của bà Hà Thị Yến, Giám đốc Công ty CP Khang Thịnh, việc xác định trách nhiệm của Công ty CP Khang Thịnh trong việc tuyển dụng, ký hợp đồng, chấm công, tạo lập mã số thuế cá nhân (đặc biệt là các đối tượng đã chết, tàn tật, mù chữ…) như kết luận điều tra (KLĐT) và cáo trạng là không đủ căn cứ kết tội.
Nhiều người tại thời điểm lấy lời khai đang là công chức xã, cán bộ Công an huyện hoặc mất khả năng lao động nhưng tại thời điểm thiết lập quan hệ lao động với Công ty CP Khang Thịnh vẫn đang là lao động tự do hoặc chưa bị mất khả năng lao động…
Mặt khác, do tính chất công việc theo địa bàn, lao động giản đơn (lao động chân tay, chỉ cần sức khỏe, thu nhập), người tàn tật hay không biết chữ không phải là căn cứ khẳng định không làm được việc.
Trên thực tế, người lao động (NLĐ) được giao làm các công việc thủ công tại các công trình như: Đào đất, đắp đất, đổ bê tông, căng kéo dây, trèo cột lắp phụ kiện, xây, trát… do các kỹ thuật viên và bị cáo trực tiếp giám sát và phân công. Bảng chấm công treo công khai trên lịch công tác tại công trường, công nhân cuối giờ lao động thống nhất rồi chấm công chéo nhau. Giám sát công trường gọi điện thoại về văn phòng để chấm công theo dõi, đối chiếu…
Bà Yến chia sẻ: “Tại trang 8 của KLĐT và trang 6 của cáo trạng ghi tổng số tiền trên chứng từ chi trả tiền lương Công ty CP Khang Thịnh lập khống đối với 59 NLĐ trên là 1.535.565.511 đồng. Trong khi đó, nếu cộng 6 công trình như trang 8 và 9 của KLĐT thì chỉ là 1.335.564.891 đồng".
Bản Cáo trạng số 06/CT-VKSBK-P1 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Kạn |
Liên quan đến nội dung trên, luật sư Lê Thị Thu Hiền, Công ty luật Lê Minh (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Phải chăng vì chính sách thuế nên họ buộc phải khai chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập như trường hợp của các ông Nguyễn Đình Đại, Vi Văn An, Nông Văn Hữu, Đào Tiến Đạt? Khả năng mượn CMND cũng rất dễ xảy ra đối với nhiều trường hợp, có thể do đồng lương ít ỏi…
Pháp luật không cấm họ làm thêm, làm ngoài giờ và có thu nhập ở nhiều nơi nhưng sẽ gặp rắc rối nếu bị phát hiện làm nhiều nơi, thu nhập nhiều nguồn. Càng là cán bộ công chức họ càng phải giấu hoặc có thể những NLĐ đó nhặt được CMND, mượn CMND của người khác để được đi làm. Với các bị cáo có lẽ chỉ cần công việc phải hoàn thành, với NLĐ chỉ là có thêm thu nhập…”.
Đến thời điển này, mặc dù bản án hình sự sơ thẩm số 10/2022/HS-ST ngày 27/4/2022 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tuyên các bị cáo tội “Trốn thuế” nhưng CQĐT chưa đưa ra được căn cứ thuyết phục để chứng minh bị cáo Yến, Thoa lập khống chứng từ.
Một điều dễ dàng nhận thấy, nếu không có nhân công, không có chi phí nhân công thì các công trình chắc chắn không thể hoàn thành.
Công trình nhà ăn của quân đội do Công ty Khang Thịnh xây dựng |
Theo bị cáo Yến, Luật Thuế còn cho phép khi hạch toán chi phí (154) đơn vị có thể đưa hoặc không đưa vào. Thực tế có một số chi phí vẫn đang bị treo để không làm giảm mức thuế phải nộp nhưng chưa được CQĐT và Cơ quan Thuế làm rõ.
Chứng từ chi trả tiền công (bảng thanh toán tiền lương) cho công nhân lao động thủ công tại các công trình của công ty từ năm 2015 - 2018 đã được hạch toán, thanh quyết toán với chủ đầu tư và đã được kê khai, Cơ quan Thuế khẳng định hợp lý, hợp lệ.
Bên cạnh đó, CQĐT chỉ chứng minh chữ ký đó có phải của NLĐ hay không mà chưa chứng minh chi phí đó là khống, không chi phí, có hạch toán sổ giá vốn cùng các sổ khác hay không và chi phí đó tăng để tính lãi lỗ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hay không.
Nếu kết luận chi phí nhân công là khống thì phải chứng minh được chi phí nhân công tại công trình đó cao hơn so với định mức cho phép (thừa chi phí nhân công); Hoặc chứng minh trên thực tế không có công trình nhưng lại có chi phí nhân công; Hay lập chi phí nhân công để thay thế chi phí vật tư, chi phí khác cho công trình.
Theo quan điểm của các luật sư, đã là chứng từ khống thì không thể hạch toán vào chi phí và giá vốn. Bên cạnh đó, chứng từ khống thì hạch toán hay không cũng vô nghĩa...
(Còn nữa)