Bắc Kạn: Vụ án trốn thuế tại Công ty CP Khang Thịnh có dấu hiệu oan sai?
Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Kạn |
Bản án không dựa trên kết quả tranh luận tại tòa?
TAND tỉnh Bắc Kạn kết tội hai bị cáo tội “Trốn thuế” quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Bản kết luận điều tra (KLĐT) và Cáo trạng đều cho rằng bị cáo Hà Thị Yến thu thập 59 Chứng minh Nhân dân (CMND) của 59 người khác để lập khống Hợp đồng lao động (HĐLĐ), chứng từ chi trả tiền lương nhằm, tăng chi phí nhân công trong hai năm 2016 - 2017 với số tiền 1.335.565.511 đồng; Trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số tiền 267.113.103 đồng. Hành vi trốn thuế TNDN được thực hiện trong 6 gói thầu xây dựng các công trình xây lắp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bị cáo Hà Thị Yến, Giám đốc Công ty CP Khang Thịnh, chia sẻ quan điểm: “Để có đủ nhân công thi công 6 dự án trong các năm 2016 - 2017 có người tên như thế làm việc cho Công ty Khang Thịnh thể hiện khối lượng công việc công ty giao cho họ hoàn thành.
Công ty Khang Thịnh có ký kết HĐLĐ, người lao động (NLĐ) tự nguyện cung cấp CMND phô tô và có nguyện vọng đi làm. Công ty thanh toán lương cho NLĐ có khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho NLĐ đối với khoản thu nhập tại Công ty Khang Thịnh theo quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, bị cáo thường xuyên kiểm tra công trình và đối chiếu số người trong bảng lương và số người thực tế cùng với khối lượng hoàn thành là phù hợp. Việc bị cáo chi lương nhân công là có thật, tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ đã được cơ quan thuế kiểm tra và ghi nhận số liệu các năm trước. Khối lượng thi công đã hoàn thành và bàn giao đầy đủ cho chủ đầu tư…”.
Bản án sơ thẩm số 10/2022/HS-ST của TAND tỉnh Bắc Kạn |
Quan điểm của Luật sư Lê Minh Thắng, Giám đốc Công ty luật TNHH K và Cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) là: Để kết tội “Trốn thuế”, Hội đồng xét xử đã dựa trên KLĐT và Cáo trạng với 3 căn cứ nhằm xác định hành vi của các bị cáo, bao gồm: Lời khai của 56 NLĐ; Kết luận giám định chữ ký và Kết luận giám định thuế.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo vẫn khẳng định bị oan bởi hành vi không cấu thành tội phạm, không có sự việc phạm tội.
Bản án số 10/2022/HS-ST ngày 27/4/2022 của TAND tỉnh Bắc Kạn tuyên hai bị cáo tội trốn thuế đồng thời xử phạt bị cáo Yến 300.000.000 đồng và bị cáo Thoa 270.000.000 đồng đã chưa dựa trên kết quả tranh luận tại tòa, không căn cứ vào hồ sơ và quan điểm độc lập của các giám định viên về thuế để đánh giá tính khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Có hay không dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án?
Cũng theo luật sư Thắng, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cho thấy: Trong tổng số 56 người được coi là làm chứng đều được điều tra viên hỏi cùng nội dung giống nhau. Họ đều khẳng định không được đi làm ở Công ty Khang Thịnh, không nhận lương, không cung cấp CMND và không đăng ký mã số thuế...
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều dấu hiệu không bình thường ở những lời khai này.
Thứ nhất: Bản KLĐT và cáo trạng đều không chỉ rõ nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong trường hợp này, tội “Trốn thuế” với khách thể là xâm phạm quy định của Nhà nước về thuế, xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước trong việc thu thuế nên bị hại phải là Cơ quan Thuế (Cục Thuế Bắc Kạn).
Bên cạnh đó, nguồn tin tố giác tội phạm không được thực hiện từ Cục thuế Bắc Kạn với vai trò cơ quan quản lý trực tiếp thì phải có kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai: Xác định tư cách người làm chứng và nguyên đơn dân sự chưa bảo đảm. Việc đưa 56 người được coi là bị làm giả hồ sơ vào vai trò người làm chứng là không chính xác. Nếu KLĐT và những căn cứ buộc tội của cáo trạng là có căn cứ thì họ phải là bị hại do hành vi phạm tội gây ra.
Mặt khác, việc đưa UBND tỉnh Bắc Kạn vào với vai trò là nguyên đơn dân sự là chưa phù hợp. Nếu KLĐT và những căn cứ buộc tội của cáo trạng là có căn cứ thì bị hại phải là Cục Thuế Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, để củng cố KLĐT và cáo trạng, việc đưa thân nhân của NLĐ, hàng xóm, các cán bộ xã… vào làm chứng cho việc NLĐ không đi làm (trong thời gian từ năm 2016 - 2017) cũng không bảo đảm. Vì mặc dù có lời khai trong hồ sơ nhưng họ không nói rõ vì sao họ biết được tình tiết đó.
Bị cáo Yến và Thoa khai báo tại phiên tòa sơ thẩm |
Thứ ba: Điều dễ dàng nhận thấy là các bản cung đều có nội dung giống nhau, chứa đựng nhiều mâu thuẫn nhưng Cơ quan điều tra không cho đối chất, không tiến hành thực nghiệm hiện trường.
Cụ thể, hầu hết các bản cung đều bị chỉnh sửa ngày tháng, không bảo đảm về không gian, thời gian (điển hình như Bút lục số 416 - 417 - 418…).
Đơn cử như: Ông Trương Văn Nam có chữ ký không thống nhất, lúc viết hoa, lúc viết thường và có cả việc ký thay, đặc biệt ở Công ty TNHH Nam Huế (so sánh Bút lục 368, 378, 398, 402). Biên bản xác minh tại Công ty Nam Huế không phù hợp giữa người khai là Dương Thị Kim Huế - Giám đốc và người ký là Lường Thị Kim Huế - Phó Giám đốc (BL 370).
Một trường hợp khác là ông Phùng Tiến Du. Ông Du khẳng định không cung cấp CMND cho ai, không bị mất CMND lần nào nhưng thực tế đã tồn tại bản phô tô CMND ở Công ty Khang Thịnh (Bút lục 405). Lời khai của ông Phùng Tiến Thắng (chú ruột của ông Phùng Tiến Du) khẳng định Du không đi làm cho bất cứ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay cơ quan nào… Liệu ông Phùng Tiến Thắng có thể được coi là người làm chứng trong trường hợp này hay không?
Còn ông Nông Đình Tuấn, mặc dù hiện tại là Công an huyện Na Rì nhưng tại thời điểm năm 2016 - 2017 đang là sinh viên trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) (Bút lục 411, 412 của bà Đinh Thị Biên - mẹ ông Tuấn) nên KLĐT và Cáo trạng chưa chính xác về mốc thời gian. Mặc dù khẳng định không cung cấp CMND cho ai, không bị mất CMND bao giờ nhưng thực tế lại tồn tại bản phô tô CMND ở Công ty Khang Thịnh…
Ông Trần Đình Trọng hiện nay làm ở BHXH huyện Chợ Mới nhưng năm 2016 - 2017 ở nhà (Bút lục 421 lời khai của ông Trần Văn Hùng - bố đẻ).
Ông Hoàng Kim Hành là lao động tự do, khẳng định không cho mượn, không bị mất CMND nhưng không lý giải được tại sao lại có bản phô tô ở Công ty Khang Thịnh. Người làm chứng là ông Hoàng Phúc Hôn (bố đẻ không biết chữ - điểm chỉ, có người làm chứng là bà Triệu Thị Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn nhưng không đóng dấu - Bút lục 426).
Các ông, bà: Nông Văn Vượng, Nông Văn Hộ, Bế Văn Toàn, Lí Thị Duyên, Phùng Văn Sinh, Nông Thị Huyền, Trương Công Ứng, Trương Văn Nam… đều khẳng định không cho mượn, không bị mất CMND nhưng không lý giải được tại sao lại có bản phô tô CMND ở Công ty Khang Thịnh.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang thừa nhận làm việc tại Công ty Khang Thịnh từ ngày 1/11/2017 đến 20/7/2018 và không thừa nhận các nội dung sau ngày 20/7/2018. Tuy nhiên, lời khai mâu thuẫn có việc ký nhận lương sau thời gian này (Bút lục 467) khoảng tháng 9/2018. Mặt khác, CQĐT chưa làm rõ lý do Nguyễn Thị Huyền Trang rời khỏi Công ty Khang Thịnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền làm công tác văn thư và có tham gia trả lương cho công nhân theo danh sách bảng lương do bà Thoa (kế toán công ty) lập.
Trong số này, đáng lưu ý có nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ, lời khai của NLĐ mà chưa được làm sáng tỏ, cụ thể: Ông Trương Công Ứng không biết chữ, được cán bộ khai, ký hộ (Bút lục 353) nhưng chưa được làm rõ là ai ký. Mặc dù ông bị tâm thần nhưng thông tin trên bệnh án khẳng định không có dấu hiệu gì đặc biệt, năm 2015 - 2018 tình trạng bình thường và đã bỏ dùng thuốc.
KLĐT và cáo trạng cho rằng tâm thần thì ông Ứng không làm gì được là chưa thỏa đáng bởi họ vẫn có thể tham gia lao động bình thường (Bút lục 358). Mặt khác, nếu ông Trương Công Ứng tâm thần đến mức độ như KLĐT và cáo trạng khẳng định thì lời khai rõ ràng, rành mạch của ông này (như hồ sơ thể hiện - Bút lục 352) cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi.
(Còn nữa)