Bài 2: Qua rồi thời gian khó...
Bài 1: Những kí ức giếng làng, giếng phố về nguồn nước sạch TTTĐ - Là thành phố trong sông, người Hà Nội quý trọng nguồn nước sạch như một phần tâm hồn mình. Nước không chỉ là ... |
Một thời chưa xa
Thế hệ trẻ Hà Nội ngày nay rất thích thú trước những bức bích họa hay hình ảnh phục dựng chiếc vòi bơm nước ở chỗ máy nước công cộng Hà Nội xưa. Cùng với xếp hàng, đặt gạch, đặt dép hay bao tải thì xếp hàng chờ lấy nước máy cũng là một phần đặc trưng của Hà Nội thời bao cấp chỉ chừng dăm chục năm về trước. Chính vì thế, nhiều người Hà Nội bây giờ vẫn còn nhớ để kể lại cho con cháu.
Không phải thơ mộng hay tràn đầy ý vị như tưởng tượng, bác Nguyễn Hoàng Đường (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng hồi đó nước máy không được nhiều, không khỏe như bây giờ. Có khi vào mùa hè, cả nhà chờ mãi mới được một vài xô nước để nấu ăn, tắm rửa, sinh hoạt.
Nước máy công cộng của Hà Nội một thời (Ảnh tư liệu) |
Sự thiếu thốn đến mức nước cũng là một tài sản quý. Người khỏe mạnh trong nhà được phân công đi xếp hàng lấy nước. Vì để có được những xô nước sạch về cho vợ, con dùng, người đàn ông có khi phải xếp hàng rất lâu, phải chen lấn xô đẩy thậm chí còn cãi vã, đánh nhau mới lấy được nước.
Khổ nhất là những ngày gần Tết, nhà nào cũng cần nấu nướng, dọn dẹp, nhu cầu nước tăng rất cao mà máy nước chỉ chảy nhỏ giọt đến sốt ruột. Người người xếp hàng dài dằng dặc, ngao ngán. Thế mới thấy rằng, nước sạch cần thiết cho cuộc sống đến mức như thế nào, thiếu nước sạch khổ như thế nào.
Trong các tác phẩm về Hà Nội thời bao cấp, chúng ta thấy ghi lại những chuyện về máy nước. Chẳng hạn trong “Mùa lá rụng trong vườn”, nhà văn Ma Văn Kháng khi mới vào đầu tiểu thuyết đã để nhân vật kể về một “đám đánh nhau to” ở chỗ xếp hàng lấy nước khi gần Tết.
Hay trong cuốn tiểu thuyết “đình đám” gần đây mang tên “Quân khu Nam Đồng” của nhà văn Bình Ca, cảnh lấy nước, gánh từ máy nước công cộng lên các tầng nhà tập thể trở đi trở lại. Chuyện hai nhân vật “tắm trộm” trong bể nước công cộng cho thấy nét nghịch ngợm, hồn nhiên “coi trời bằng vung” của những đứa trẻ con nhà lính một thời.
Niềm vui từ nước
Chị Mai Pương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhớ như in và hãi hùng cảnh sống của mình cách đây chỉ tầm hơn chục năm. Hồi mới lập gia đình, hai vợ chồng chị mua nhà ở Định Công Thượng. Vùng này giao thông thuận lợi, hàng hóa đầy đủ, cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi… nước sạch.
Bể lọc và nước giếng khoan vàng khè - nỗi ám ảnh một thời chưa xa của người dân Hà Nội (Ảnh minh họa) |
Nói chính xác, cả làng, cả vùng dùng nước giếng khoan. Trên ngất ngưởng nóc nhà của nhà nào cũng có một chiếc bể lọc. Nước bơm từ giếng khoan sâu hun hút mấy chục mét lên bể, lọc cho hết phần vàng khè đi, qua mấy tầng cát, sỏi, chất lọc rồi mới sang bể để bơm xuống nhà. Cứ Chủ nhật, ngày lễ, cả xóm hò nhau lên thau bể, thay cát. Từng bịch cát với những thứ dùng để lọc nước sền sệt, quánh đặc chất bùn vàng chóe do nước để lại.
Những nhà bán vật liệu để lọc nước ăn nên làm ra tại nơi đây. Còn những người như chị Mai Phương thì đành “nhắm mắt nhắm mũi” dùng thứ nước ấy vào việc tắm rửa, giặt giũ.
“Đánh răng rửa mặt, rửa rau rửa bát cũng vẫn phải dùng nước giếng khoan vì nếu dùng nước đóng bình mua thì không đủ tiền. Vừa dùng vừa ghê, bởi mấy vật liệu lọc và cả máy lọc nước chắc gì đã lọc hết hóa chất độc hại. Nghe nói nào asen nào sắt và rất nhiều thứ kim loại nữa mình chẳng biết”, chị Mai Phương nhớ lại.
Còn chị Hồng Linh cũng ở khu vực này thì luôn nhớ cảnh ông bà ngoại đã già, về hưu mà hàng tuần kẽo kẹt xách những chai nước máy đi bộ từ Thanh Xuân sang “chi viện” cho con gái đang có bầu. “Hồi ấy chưa có tuyến xe bus từ Thanh Xuân sang đây, mà xe ôm công nghệ cũng chưa có. Mình thì mới mang thai con đầu lòng, ông bà xót, không thể để cho dùng nước giếng khoan được nên cứ phải xách nước sang cho để ăn, uống như thế”, chị Hồng Linh nhớ lại.
Rồi quãng năm 2011, nước máy sông Đà về đến Định Công Thượng. Cả khu vực vui như trẩy hội. Cả xóm cả phường sửa đường, lắp ống nước, thay bỏ những đường ống cũ kẹt đặc váng giếng khoan. Theo đó, những chiếc bể lọc cũng bị phá bỏ. Cũng theo đó, hàng bán đồ lọc nước dần… biến mất. Ngày lễ, ngày nghỉ, vợ chồng con cái các gia đình đi chơi, đi du lịch thay vì hò hét nhau thau bể rửa đường ống. Cuộc sống người dân nơi đây sung túc, đầm ấm hơn cả. Giá nhà đất theo đó mà tăng vù vù.
Trước đây, cứ hễ nghe nói Định Công là người ta sợ nước giếng khoan. Cùng với việc lắp đặt đường ống nước sông Đà mở rộng dần sang các quận, huyện, người ta không còn sợ Định Công, không còn sợ những nơi không có nước sạch sinh hoạt nữa. Nước sạch mang đến sự hồi sinh, mang đến những khuôn mặt mới cho những vùng đất mà nó đi qua.
(Còn nữa)