Bài 2: Những chuyến xe không khẩu trang, nước sát khuẩn
Các bến xe là địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lây nhiễm virus Corona
Bài liên quan
Tăng cường kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại bến xe Nước Ngầm, Ga Hà Nội
Ngành Vận tải căng mình phòng chống dịch Corona
Phòng, chống dịch Covid-19 tại các nơi công cộng: Vẫn còn tình trạng lơ là
Bến xe tích cực, chủ động
Dù số lượng khách đi lại sụt giảm nghiêm trọng sau dịp Tết Nguyên đán nhưng tại bến xe Giáp Bát (đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội), công tác phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 vẫn được Ban quản lý bến xe và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang hoạt động tại đây chủ động thực hiện.
Từ khi dịch bùng phát, Ban quản lý bến xe đã tăng cường công tác vệ sinh, đặc biệt là những khu vực hành khách thường xuyên tiếp xúc như quầy vé, khu vực cửa soát vé… Đơn vị quản lý này cũng bố trí cồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn tại nhiều điểm trong bến.
Trên hệ thống phát thanh và bảng thông tin điện tử tại bến xe Giáp Bát, đơn vị quản lý liên tục tuyên truyền thông tin của Bộ Y tế về dịch Covid-19.
Tại bến xe khách Mỹ Đình, các địa điểm trong khu vực nhà chờ, quầy vé, khu vực có đông hành khách qua lại đều có dán poster, đặt tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn hành khách cách phòng Covid-19 với những hình ảnh minh họa cụ thể, kèm số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế. Từ đó, hành khách biết và liên hệ, thông báo tình hình dịch bệnh, cơ quan chức năng kịp thời giải đáp, xử lý thắc mắc.
Tại những vị trí đó, Ban quản lý bến xe cũng đã bố trí cồn rửa tay và dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí phục vụ hành khách chủ động phòng chống dịch bệnh
Tại bến xe Gia Lâm, với lượng xe chuyên tuyến lớn (khoảng 70 nhà xe, trung bình mỗi ngày có 700 lượt xe ra vào bến), những ngày gần đây, Ban quản lý cũng chủ động phối hợp với chính quyền, y tế phường tiến hành tiêu độc khử trùng tại các khu vực; trang bị cho nhân viên khẩu trang y tế khi làm việc, bố trí cồn rửa tay và dung dịch sát khuẩn tại nhiều địa điểm.
Phó Giám đốc bến xe Gia Lâm Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đối với một số tuyến đi: Cao Bằng, Móng Cái, Hà Giang… để bảo đảm an toàn, không để dịch lây lan, Ban quản lý đã quán triệt yêu cầu các nhân viên phải chú ý quan sát hành khách. Nếu như hành khách có biểu hiện ho, khó thở thì nhân viên bến xe cần báo cho trung tâm y tế để được sơ cứu, cách ly kịp thời trước khi thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng.
Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và Công nghệ, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, đơn vị đã tích cực tuyên truyền và thông tin đến toàn bộ nhân viên, hành khách cũng như các nhà xe phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng dịch.
Ban quản lý đã yêu cầu các cán bộ nhân viên lái, phụ xe phải đeo khẩu trang trong khi phục vụ khách. Ban quản lý nghiêm cấm việc chở động vật hoang dã trên xe.
Tại bến xe, nhiều người vẫn chưa có ý thức đeo khẩu trang y tế phòng bệnh dịch |
“Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương, các bến xe để tiến hành phun khử trùng phòng dịch tại các bến xe. Khi hành khách có biểu hiện cảm cúm, sốt… thì các bến xe sẽ thông tin đến trung tâm y tế quận và liên hệ với đường dây nóng của Bộ Y tế”, ông Hoàng cho biết thêm.
Nhiều nhà xe, hành khách vẫn “bình chân như vại”
Dù liên tục nhận được khuyến cáo từ Bộ Y tế và nhắc nhở từ phía bộ phận chuyên trách của bến xe, một bộ phận nhà xe, hành khách vẫn chưa chủ động bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.
Khảo sát của phóng viên tại một số bến xe cho thấy, không ít hành khách, nhà xe chưa ý thức về dịch bệnh. Nhiều người còn chủ quan không sử dụng khẩu trang khi tới chỗ đông người, thậm chí có nhà xe vẫn cho phép vật nuôi như chó, gia cầm lên xe.
Đơn cử, trên một chuyến xe tuyến Cẩm Khê - Sơn Tây - Mỹ Đình của nhà xe Hậu Thắng, chủ xe cũng như hành khách rất thờ ơ, không đeo khẩu trang. Đáng lo ngại, lái và phụ xe cho phép khách gửi động vật nuôi, gia cầm lên xe, khiến nhiều hành khách không khỏi ái ngại…
Trên một số xe khách tuyến Mỹ Đình - Sơn Tây những ngày gần đây dường như dịch bệnh vẫn còn ở nơi nào rất xa, bởi lái, phụ xe và hành khách rất thờ ơ với khẩu trang y tế. Cụ thể, thay vì nhà xe chuẩn bị khẩu trang, nước sát trùng chu đáo, thì cảnh tượng nhồi nhét, mùi hôi xú uế từ vật nuôi ở trên xe vẫn diễn ra khá phổ biến.
Chia sẻ những bức xúc khi phải hứng chịu mùi tạp nham và hôi hám từ vật nuôi được “vô tư” đưa lên xe, một số hành khách đi trên tuyến xe Chẹ - Mỹ Đình cho biết, cảnh tượng nhồi nhét, cho rau cỏ, gà vịt, lợn ngan lên xe không phải hy hữu. Đáng lo ngại hơn, trong tình cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc nhà xe chở vật nuôi trên xe rất đáng lo ngại. Nếu không đề phòng thì nguy cơ chưa qua dịch này, dịch bệnh khác đã phát sinh…
Tại bến xe Giáp Bát, chiều 21/2, tuyến Giáp Bát - Hà Nam còn rất nhiều hành khách lên xe không đeo khẩu trang y tế. Tài xế và đơn vị vận tải đã nhắc nhở hành khách nhưng nhiều người vẫn không thực hiện.
Khi được hỏi, nhiều hành khách thẳng thắng cho rằng, cả nước chỉ có hơn chục người mắc và đều đã được cách ly, được chữa khỏi nên không quá lo lắng.
Ở chiều ngược lại, có những hành khách tỏ ra rất bất an. Anh Hà Văn Đạt (ở Ninh Bình) cho biết: “Do tính chất công việc, tôi thường xuyên di chuyển giữa các tỉnh. Dù đã tự trang bị khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn nhưng tôi vẫn rất lo ngại khi nhiều nhà xe không có biện pháp phòng dịch, nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Thậm chí, nhiều xe vệ sinh rất kém. Tài xế, phụ xe vẫn khạc nhổ bừa bãi trong bến…”.
Thiết nghĩ để bảo đảm dịch bệnh không lây lan rộng, bên cạnh việc chủ động phòng chống dịch của các bến xe thì mỗi nhà xe, hành khách, cần nâng cao ý thức, không chủ quan trong việc phòng dịch cho mình và mọi người. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với trường hợp vi phạm.
(Còn nữa)