Bài 2: Nhập viện tâm thần vì sử dụng mạng xã hội quá đà
Bài liên quan
Thỉnh thoảng trong trạng thái tinh thần không ổn định, Minh từ im lặng bỗng la hét thất thanh. Theo kết luận của bác sĩ, cô gái 17 tuổi này bị ảnh hưởng đến tâm thần do sử dụng mạng xã hội quá nhiều.
“Đốt” tuổi thanh xuân vào…facebook
Vị bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, căn bệnh của Minh buộc phải trải qua nhiều cuộc trị liệu tâm lý, cấm sử dụng điện thoại và tuyệt đối không tiếp xúc với mạng xã hội.
Trong nhiều năm trở lại đây, có nhiều trường hợp bệnh nhân, đặc biệt là những bạn trẻ phải nhập viện do mắc các bệnh tâm thần, tự kỷ, xuất phát từ nguyên nhân sử dụng mạng xã hội quá đà.
Chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ của Minh vừa chăm con, vừa sụt sùi kể câu chuyện của con gái. Cô bé sinh ra bình thường như bạo bạn trẻ khác. Minh học khá. Hồi học cấp 1 cô gái rất ngoan. Từ lớp 1 đến lớp 5, gia đình không cho Minh dùng điện thoại. Trường gần nhà. Những hôm bố, mẹ rảnh thì đưa đón. Những ngày cha mẹ bận, Minh có thể đi bộ. Không có điện thoại để liên hệ nhưng cô bé luôn về nhà đúng giờ.
Thấy con ngoan và nghĩ con mình đã lớn, bắt đầu lên cấp 2, bố mẹ Minh cho cô bé tiếp xúc với chiếc điện thoại thông minh. “Cũng là vì cháu nó xin vào hôm sinh nhật và cũng vì muốn con mình “bằng bạn, bằng bè” nên tôi đồng ý” – Người mẹ nói với giọng đầy ân hận.
Nhiều bạn trẻ phải nhập viện tâm thần vì nghiện mạng xã hội (ảnh minh họa) |
Bắt đầu từ những ngày có điện thoại, Minh sinh “nghiện”. Cô gái quá mải mê với thiết bị công nghệ đến nỗi không dứt ra được. Hết năm lớp 6, Minh đã học hành sa sút. Vào những năm cuối cấp, cô gái thường xuyên có những biểu hiện sống ảo trên mạng xã hội. Minh dành tất cả số thời gian ở nhà, thời giờ ăn, ngủ để mải mê với điện thoại.
Những biểu hiện mắc bệnh tâm thần của Minh xuất hiện rõ rết hơn khi cô gái 15 tuổi. 17 tuổi, Minh chính thức nhập viện với bệnh án mắc bệnh tâm thần.
Gia đình chị Thanh ở cách xa Hà Nội 500 km. Từ ngày Minh ốm, hoàn cảnh anh chị càng trở nên khó khăn. Chị Thanh bỏ hết việc lên Hà Nội trông con. Cộng thêm đó là tiền thuốc men chạy chữa.
Chị Thanh cho biết: “Nhà nghèo lắm nhưng giờ cũng chỉ mong con được khỏe mạnh trở lại. Nó là phận gái 17 tuổi rồi, bây giờ cứ điên điên, khùng khùng như thế này, tương lai của con biết như thế nào?”
Tác nhân trầm cảm
Là một trong những người từng nghiện mạng xã hội, chàng trai Nguyễn Huy Toàn, 19 tuổi tâm sự: “Khi sử dụng điện thoại, với bản tính hay tò mò, mình đã vào máy và tải các ứng dụng mạng xã hội để tiện cho việc trao đổi công việc, học tập. Ban đầu, thấy ai cũng dùng nên mình thử”.
Toàn không ngờ bị nghiện lúc nào không hay. Cậu dùng facebook bất cứ khi rảnh, như những lúc vừa ăn xong, lúc học tập hoặc trước khi đi ngủ, thậm chí ngồi cà phê, tụ họp với bạn bè cũng xem facebook. Lúc đó, điện thoại di động với Toàn là vật bất li thân trong mọi hoàn cảnh.
Toàn cũng kể thêm, ban đầu, từ việc “chỉ muốn làm sao có thật nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội”, sau đó cậu thấy cơ thể có nhiều biểu hiện bất thường như chứng khó ngủ, mắt bị mờ, giảm chú ý, đặc biệt là mọi sinh hoạt bị phụ thuộc vào mạng xã hội, cậu đành bảo với mẹ để được đưa đi khám bệnh.
“Được mẹ cho đi khám, mình biết bản thân chạm đến ngưỡng mắc bệnh thần kinh vì nghiện điện thoại. Nghe bác sĩ phân tích, đồng thời mẹ phải mất số tiền khá lớn mua thuốc uống, tiêm... Đặc biệt, mình nhìn thấy mẹ lo âu thất thần…Vì vậy mình nghiêm túc nhìn nhận về tương lai của bản thân và nghĩ sẽ phải bằng mọi cách cố gắng “cai nghiện”.
Phải mất 1 thời gian dài, với những quyết tâm rất cao, Toàn mới “thoát ly” khỏi mạng xã hội. Chàng trai chia sẻ: Lúc đó từ một cậu bé được nuông chiều, không phải đụng chân, tay bất cứ việc gì, mình phải đi ra ngoài, tự xin việc làm thêm bưng bê ở quán ăn, đi dọn dẹp ở quán cà phê... Mình hòng mong công việc lao động luôn chân, tay sẽ khiến bản thân không còn thời gian nghĩ đến điện thoại suýt gây ra căn bệnh mà mình phải hứng chịu cả đời”
Ham mê của trẻ con và bài học người lớn...
Theo Th.s Tâm lý học Nguyễn Lan Nguyên (Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Việc sử dụng các trang mạng xã hội lâu dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể như giấc ngủ và ăn uống. Bên cạnh đó, trầm cảm cũng là một hậu quả của việc sử dụng các trang mạng xã hội với người dùng. Việc giao tiếp “ảo” làm giảm nhu cầu của giao tiếp trực tiếp, dẫn đến người dùng ít nói chuyện, ít tiếp xúc với mọi người.”
Không chỉ xảy ra ở giới trẻ, các bậc cha mẹ, người lớn cũng không dễ gì từ chối sức hút của điện thoại di động. Quên ăn, quên ngủ, quên làm việc, thậm chí mẹ bầu còn quên cho con bú chính là những thực trạng đáng buồn vẫn đang hàng ngày tiếp diễn vì nghiện mạng xã hội.
Hàn Quốc, một trong những “kinh đô trong làng công nghệ điện tử” hiện là quốc gia đang phải hứng chịu mối đe doạ đến từ căn bệnh nghiện mạng xã hội, nghiện game nặng nề. Hằng năm, nhiều trại cai nghiện tại nước này tiếp nhận thêm hàng ngàn bệnh nhân mới.
Trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, khi điện thoại thông minh là một vật dụng không thể tách rời với đời sống thường nhật thì Việt Nam nói riêng và hầu hết các quốc gia cần phải có những chính sách cụ thể và quyết liệt hơn đối với việc sử dụng mạng xã hội nói riêng và internet nói chung. Tuy nhiên bất cứ chính sách nào cũng sẽ không hiệu quả bằng nỗ lực chính bản thân mỗi con người để mạng xã hội, facebook đúng là nền tảng bổ ích chứ không còn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình.