Bài 2: Khám bệnh, phát thuốc bằng tấm lòng thầy thuốc trẻ
Tháng 7, tri ân những người anh hùng Hơn 3.000 người dân Thủ đô được tư vấn, khám bệnh miễn phí |
Người lính với “bài ca không quên”
Năm 1965, bà Phạm Thị Phương Đông đi thanh niên xung phong, sau khi xuất ngũ thì về làm việc tại Hà Nội. Bà từng bị “chết hụt” vì giặc bỏ bom đúng căn nhà mà bà trú ẩn tại Hà Tĩnh năm xưa. Trở về từ chiến trường, bà Đông mang trên mình vết thương chiến tranh và là thương binh hạng 4/4.
Hằng năm, cứ mỗi dịp tháng 7, bà Đông cũng như những cá nhân thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đều được khám sức khoẻ, tặng quà. Năm nay, ngay từ những ngày đầu tháng 7, bà đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Giao thông Vận tải khám bệnh, tư vấn sức khoẻ. Bà Đông rất vui bởi sự quan tâm của thế hệ trẻ ngày nay dành cho mình cũng như cựu thanh niên xung phong.
Y bác sĩ Bệnh viện Giao thông Vận tải khám bệnh cho đối tượng chính sách |
Theo bà, họ đã không quên công ơn của thế hệ tiền nhân, luôn tìm cách để bù đắp cho người có công với cách mạng - những người viết nên bài ca chiến thắng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mang lại hoà bình, độc lập như ngày hôm nay.
Bà Phạm Thị Phương Đông bày tỏ: “Hiện nay, cựu thanh niên xung phong chúng tôi nhận được sự quan tâm hơn từ phường, các đoàn thể; Đặc biệt là thường xuyên được khám sức khoẻ miễn phí hằng năm. Dịp này, được các y bác sĩ Bệnh viện Giao thông Vận tải khám sức khoẻ miễn phí, lại còn được tặng quà, tôi rất phấn khởi. Điều khiến tôi vui mừng, xúc động hơn là nhận thấy, thế hệ trẻ luôn quan tâm, tri ân những người có công với cách mạng, các thế hệ tiền nhân”.
Ông Ngô Văn Đức, sinh năm 1954, viết đơn tình nguyện ra chiến trường khi chưa tròn 18 tuổi. Chàng trai Hà thành năm ấy hăng hái tòng quân, dù biết rằng có thể phải hi sinh cả tính mạng trong mưa bom bão đạn.
Ông Đức kể, ông và các đồng đội của mình phải đi bộ hành quân từ Ninh Bình vào tới Quảng Trị hết gần một tháng. Mỗi ngày đi 30km đường rừng núi, những người lính trẻ đeo ba-lô nặng trĩu vai, có đoạn phải "đi trên dây". Ông nhớ cái đói cồn cào ruột gan, hàng tuần không có gạo ăn, phải ăn cam trừ bữa. Trên đường vào chiến trường, người lính trẻ lại gặp cảnh bộ đội bị thương chuyển cáng ra ngoài. Rồi những ngày hành quân, chưa vào đến chiến trường, ông Đức đã bị sốt rét ác tính, rụng tóc đến trọc đầu.
Ông Ngô Văn Đức được y bác sĩ Bệnh viện Giao thông Vận tải khám, tư vấn sức khoẻ |
Bao nhiêu gian khổ là vậy nhưng ông không nhụt chí, tinh thần đánh giặc vẫn ngùn ngụt khí thế. Trải qua kháng chiến, ông trở về với vết thương trên bàn tay bởi dính đạn giặc - dấu tích chiến tranh đọng lại, là nỗi đau không bao giờ quên... Gian khổ qua rồi, người lính năm xưa nay nở nụ cười thật tươi trước cảnh hoà bình, độc lập, được chứng kiến đất nước phát triển mạnh mẽ. Nay thêm tấm lòng tri ân của thế hệ trẻ, được chăm lo khám sức khoẻ thường niên, ông Đức rất hạnh phúc.
Món quà của người trẻ
Là người trực tiếp khám bệnh cho các đối tượng chính sách và nhiều người dân khó khăn tại Hà Nội, cũng như địa phương khác, bác sĩ Phùng Đức Thuý, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Giao thông Vận tải thấu hiểu nhiều hoàn cảnh và những câu chuyện cảm động.
Anh cảm thấy rất tự hào khi đóng góp được một phần sức trẻ của mình cho cộng đồng, tri ân người có công, gia đình chính sách, giúp đỡ người nghèo. “Từ những lần khám sức khoẻ, khám bệnh sàng lọc như thế này có thể phát hiện những bệnh lý, đưa ra tư vấn phù hợp nhất cho người bệnh. Nếu trong trường hợp các bệnh nhân cần điều trị, chúng tôi sẽ tư vấn làm sao cho họ có nơi điều trị hiệu quả nhất”, bác sĩ Thuý cho chia sẻ.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Đoàn Thanh niên Bệnh viện Giao thông Vận tải được ban lãnh đạo giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động hết sức ý nghĩa - tổ chức khám sức khoẻ cho các đối tượng chính sách. Tất cả y bác sĩ là đoàn viên, thanh niên ở đây đều tham gia vào các quy trình, từ công tác chuẩn bị, ở các vị trí khám, tiếp đón các ông, bà đến, để có quy trình khám phù hợp, thuận lợi. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên bệnh viện cùng với Hội LHTN thành phố Hà Nội triển khai hoạt động khám bệnh; Tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo, tri ân người có công với cách mạng.
Y bác sĩ phát thuốc tặng cựu thanh niên xung phong huyện Gia Lâm |
Mới đây, Huyện đoàn Gia Lâm và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Đoàn Thanh niên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cũng đã tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà 250 cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn tại bảy xã cụm Nam Đuống.
Anh Phạm Văn Phong, Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm cho biết: “Phát huy tinh thần “tương thân tương ái” vì sức khỏe cộng đồng, đây là chương trình tình nguyện được Huyện đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức thường niên, nhằm thăm hỏi động viên, khám bệnh, tặng quà và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng, gia đình chính sách”.
Bằng tinh thần tình nguyện, tâm huyết và trách nhiệm cao, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí tới 250 cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh. Các nội dung khám bệnh bao gồm: Đo huyết áp, khám mắt, tai, mũi, họng, chụp X-Quang, thử tiểu đường...
Qua khám sức khỏe, các bác sĩ phát hiện bệnh sớm; Đồng thời tư vấn để cựu thanh niên xung phong có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, tất cả cựu thanh niên xung phong đến khám đều được cấp thuốc điều trị bệnh, thuốc bổ.
Tại chương trình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn trao 10 suất quà cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Hội Chữ thập đỏ huyện vận động nhà hảo tâm là gia đình Thiện Tâm Duyên trao 250 suất quà tổng trị giá 70 triệu đồng. Đoàn Thanh niên Bộ lao động - Thương binh xã hội tặng 200 suất quà trị giá 75 triệu đồng gồm các loại thuốc bổ cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đến khám bệnh và hai suất quà tặng hai Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Gia Lâm.
*Chương trình khám bệnh phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng là hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được duy trì hàng năm của nhiều đơn vị, tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hành động thiết thực, nhân ái này thể hiện tình cảm tri ân đối với các thế hệ tiền nhân, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
(Còn nữa)