Bài 1: Chia sẻ của những người mẹ "hiếm có bữa ăn sáng tử tế cùng con"
Cô giáo trường Tiểu học Kim Đồng làm video tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 |
Giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) khoe sắc cùng áo dài |
Tất bật vào mỗi buổi sáng, vội vàng gọi con thức dậy và cả nhà lại tức tốc lên đường. Mỗi người một ngả, đó là buổi sáng quen thuộc của rất nhiều gia đình giáo viên đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - một nghề tưởng chừng rất nhàn nhã.
Lắm nỗi gian nan
Cô giáo Thân Thị Huệ, giáo viên Mĩ thuật trường Tiểu học Việt Nam Cu Ba, đã tận tụy với nghề giáo được 10 năm. Khi còn trẻ, đam mê mĩ thuật và sự yêu thích trẻ em đã đưa chị Huệ đến với nghề giáo viên. Niềm vui, sự say mê với nghề luôn thường trực trong cô giáo trẻ. Thế nhưng, những trắc trở với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng cũng mang đến không ít khó khăn cho chị.
Cô giáo trẻ Thân Thị Huệ - người mẹ ít có bữa ăn sáng cùng các con |
Đi sớm, về muộn là việc mà thường ngày chị và rất nhiều giáo viên khác vẫn làm. Mỗi sáng, cũng như nhiều bà mẹ khác, chị Huệ lại tất bật với con cái, công việc gia đình. Thức dậy, chị chỉ kịp gọi con dạy, giúp con những việc cơ bản nhất. Rồi cả nhà lại lên đường đi làm, đi học, mỗi người một ngả.
Những đứa con của cô giáo Huệ sớm đã phải tự túc hơn trong sinh hoạt cá nhân, khẩn trương để mẹ còn kịp đến trường vào giờ dạy. Chị Huệ tâm sự: "Giáo viên chúng tôi cũng phải về muộn khá nhiều, ít thì một tuần vài ba buổi, những đợt cao điểm thì có khi cả tuần.
Ngoài giảng dạy môn chuyên biệt thì còn có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi, tổ chức chương trình vui chơi... cho các em học sinh. Rất may mắn, tôi được mọi người trong gia đình hỗ trợ mỗi khi về muộn. nếu không, tôi không biết phải làm thế nào".
Lương giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là với giáo viên hợp đồng. Đã hơn 10 năm nay, lương của cô giáo Thân Thị Huệ chưa được tăng. Với mức sống ở chốn đô thành nhộp nhịp và đắt đỏ, mức lương chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng không đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt chứ chưa dám nói tới các nhu cầu khác.
Cô giáo Huệ luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, mang những thứ mới lạ đến với học sinh |
Động lực để chị Huệ tận tụy với nghề cho đến bây giờ là sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường và những tình cảm yêu thương mà đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh dành cho chị. “Học sinh thích thú với môn học, đặc biệt là với những thay đổi trong phương pháp và hình thức học mĩ thuật hiện nay. Đây cũng là động lực lớn lao để chúng tôi làm việc, nghiên cứu thêm những đổi mới về môn học cho học sinh ngày càng chủ động, vui vẻ hơn trong học tập”, cô giáo Huệ tâm sự.
Đến người thân còn xem thường
Không được may mắn như chị Huệ, cô giáo Nguyễn Thị Thúy – giáo viên môn Giáo dục thể chất một trường Tiểu học tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đang chật vật với nghề dạy học và từng có ý định muốn bỏ nghề.
“Nghề này cần sự kiên nhẫn và tình yêu trẻ nhỏ rất lớn. Đồng lương giáo viên quá thấp. Tôi dạy bù, dạy các giờ trống tiết ít ỏi, nhận trông trẻ bán trú tất cả các ngày trong tuần cũng chỉ thêm được vài trăm ngàn đồng. Mấy năm nay, thu nhập mỗi tháng của tôi chỉ ở mức gần 4 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng thêm khiến tôi luôn đau đầu, mệt mỏi với chuyện tiền nong”, cô Thúy tâm sự.
Thu nhập thấp cô giáo Thúy thậm chí còn bị một số người, kể cả người thân, xem nhẹ, nói bóng gió những lúc gia đình lục đục. “Mỗi lần mua một bộ quần áo mới, chồng tôi lại nói bóng gió: “Lương giáo viên có đủ cho cô ăn tiêu, mua sắm không”. Những ngày có việc ở trường, tôi đi sớm về muộn một chút đều bị chồng xét nét, dò hỏi. Đương nhiên, gia đình cũng chẳng vui vẻ gì trong những lần như thế”, cô Thúy tâm sự.
Nghề giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực, thiệt thòi, nhất là các giáo viên môn "phụ" (Ảnh minh họa) |
Những lúc ngồi nhìn ngắm học sinh, chỉ bảo dạy dỗ chúng, cô Thúy lại thấy thương những đứa con ở nhà. Buổi sáng, chúng thường phải ăn vội ăn vàng, có khi bố mẹ thả ở cổng trường, muốn ăn gì thì tự bảo nhau mua. “Có lần do đút vội lưng cháo cho con, tôi tôi khiến cháu bỏng miệng mà không hề hay biết.
Những buổi trưa, khi tôi phải trông bán trú với mức để kiếm thêm vài chục nghìn thì các con tôi tan học, có khi lang thang, rồi ăn tạm bợ ngoài quán xá, Nghĩ thương các cháu mà chẳng biết làm sao”, chị Thuý rưng rưng kể.
Làm nghề giáo phải hi sinh nhiều về thời gian, công sức; chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường, phụ huynh, học sinh, dư luận... Có những cô giáo không sống được với nghề. Có những thầy, cô vẫn cố gắng bám trụ vì tình yêu với nghề, vì tình cảm với học sinh và họ vẫn luôn hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
(Còn nữa)
"Đời giáo dở khóc dở cười" - Cuốn sách như một lời tri ân nhân ngày 20/11 |
Khát khao truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học |