70 năm hào hùng và những kỳ vọng mới từ Luật Thủ đô
Dấu ấn một chặng đường
Kể từ ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến nay, qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị nhỏ có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay Hà Nội đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần.
![]() |
Sau 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại |
Hà Nội ngày nay với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Mỗi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi Thủ đô Hà Nội đang là TP lớn thứ 17 trên thế giới.
Hà Nội chiếm 8,1% về dân số; đóng góp 17,07% về thu ngân sách Nhà nước của cả nước. Hà Nội có 51,7% dân số trẻ và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%. Cùng với đó, Hà Nội là địa phương có cộng đồng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, nơi đặt trụ sở chính của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, ngân hàng và trung tâm tài chính lớn nhất cả nước. Đây chính là thế mạnh của TP trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng được TP tập trung chú trọng. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt với tỷ lệ diện tích phủ kín đạt khoảng 90%. Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật hiện đại…
![]() |
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh chia sẻ thông tin về Luật Thủ đô |
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức, bất cập trong tiến trình phát triển. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch”.
Thực tế cũng cho thấy, công trình hạ tầng văn hóa, thể thao chưa được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả và xuống cấp nhanh chóng; chính sách thu hút nhân tài, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng…
Công cụ pháp lý mới để Hà Nội phát triển toàn diện
Để giải quyết những bất cập còn tồn tại, thời gian qua, Hà Nội đã quán triệt, triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Hà Nội đang nỗ lực triển khai những định hướng tại Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
![]() |
Đặc biệt, Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trong đó có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 được đánh giá là một công cụ pháp lý mới để Hà Nội phát triển toàn diện.
Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, Luật Thủ đô đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở TP, quận, huyện, thị xã thuộc TP, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội được giao quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của TP và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.
Không chỉ đề cập đến công tác cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, Luật Thủ đô cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách Trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách TP Hà Nội, ngân sách Trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách TP.
![]() |
Luật cũng mở ra “kỷ nguyên mới” trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, TP được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, những quy định mới nêu trên hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, sẽ góp phần tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện…
Nhìn lại chặng đường phát triển sau 70 năm Giải phóng Thủ đô oai hùng, tự hào, Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân Thủ đô có thêm động lực để cùng vượt qua mọi thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ đó, tạo không khí phấn khởi để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng

Không tăng giá vé từ cảng Ao Tiên đi Cô Tô

Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng

Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, nhân lên những giá trị nhân văn

Tháng ba mùa xuân đi qua ngõ

Những câu chuyện đậm chất Hà Nội trên sóng phát thanh, truyền hình

Quảng bá văn hóa đời thường, đậm chất riêng có của người Hà Nội

Nâng cao hiệu quả truyền thông, mang lại giá trị tích cực cho Thủ đô
