Hà Nội - hình mẫu tiêu biểu kiến tạo môi trường giáo dục thanh lịch, văn minh, hạnh phúc
Triển khai rộng rãi, đồng bộ nhiều chương trình, hoạt động giáo dục
Cụ thể, đồng chí Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, căn cứ Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ và Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND TP về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 06-CTr/TU; ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình (Kế hoạch số 3296/KH-SGDĐT ngày 17/9/2021), xác định và cụ thể hóa các nhiệm vụ của ngành đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, đề án, kế hoạch về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đồng thời phân công rõ nhiệm vụ cho các phòng thuộc Sở và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo tiến độ và hoàn thành các mục tiêu chương trình, kế hoạch đã đề ra.
![]() |
Đồng chí Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trình bày tham luận về "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với phát triển nguồn nhân lực" |
TP Hà Nội hiện có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 2.238.000 học sinh, 70.150 lớp. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 105 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; 9 văn phòng đại diện nước ngoài; 1.051 trung tâm các loại, trong đó: 946 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 105 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng.
Xác định con người là trung tâm, xây dựng văn hóa học đường, nếp sống thanh lịch, văn minh trong các cơ sở giáo dục là yếu tố nền tảng để thực hiện thành công một trong những nhiệm vụ Chương trình số 06-CTr/TU, đó là nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động tham mưu, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện nhóm đề án, kế hoạch.
Đó là: Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch biên soạn, lồng ghép nội dung giáo dục nét văn hóa Hà Nội trong bộ tài liệu giáo dục địa phương, tiến hành giảng dạy đại trà tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội”; Kế hoạch triển khai giảng dạy đại trà tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho cấp học mầm non trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch biên soạn nội dung, phương pháp thể hiện các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông.
Những năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai rộng rãi, đồng bộ nhiều chương trình, hoạt động giáo dục nhằm xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức và lối sống lành mạnh cho học sinh trên địa bàn TP.
![]() |
Lễ kết nạp 3 đảng viên ngày 25/3/2025 của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Sở tổ chức các lớp tìm hiểu về Đảng nhằm bồi dưỡng tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho các học sinh ưu tú: Tính riêng năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức cho 1.610 học sinh tham gia học lớp tìm hiểu về Đảng và đã bồi dưỡng, kết nạp được 200 đảng viên mới. Từ 2022 đến nay đã kết nạp được 292 đảng viên mới, bằng hơn 10 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2012 đến năm 2022): 26 học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng đảng viên là học sinh trong toàn ngành là 318 đảng viên. Học sinh khi được lựa chọn tham gia các lớp bồi dưỡng tìm hiểu về đảng đã có ý thức phấn đấu rõ rệt đạt thành tích cao trong học tập, trong tham gia công tác đoàn thể, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…; nỗ lực thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Đơn vị triển khai chương trình giáo dục di sản với nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm, UBND huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây tổ chức ký biên bản ghi nhớ về giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động tham quan, ngoại khóa góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức; hình thành thói quen, ý thức tốt nhằm hoàn thiện nhân cách học sinh.
Sở tiếp tục phát huy hiệu quả và ngày càng hoàn thiện bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” triển khai trong trường học. Qua 14 năm thực hiện, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành học sinh thanh lịch, văn minh, nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh.
Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn và dạy cho học sinh mầm non trên địa bàn TP; đa dạng hình thức, chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục nếp sống văn hóa, nét văn hóa Hà Nội trong các tiết học giáo dục địa phương. Tùy theo từng cấp học, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và vận dụng của học sinh.
Đơn vị cũng triển khai kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học. Các nhà trường được giao lựa chọn và áp dụng các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh. Một số trò chơi tiêu biểu như: Cướp cờ, rồng rắn lên mây, kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền trên cạn, nhảy bao bố, ô ăn quan, mèo đuổi chuột…
Sở phối hợp cùng các Sở, ban, ngành TP tổ chức thành công nhiều cuộc thi trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh các cấp học, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị phối hợp tổ chức đánh giá cao.
Đó là: Cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI; Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước TP năm 2024; Cuộc thi ảnh nét đẹp trong văn hóa ứng xử năm 2023; Cuộc thi viết Vì an toàn giao thông Thủ đô; Đại sứ rác thải nhựa: Tìm hiểu 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô; Sáng tác ca khúc dành cho học sinh; Sứ giả du lịch...
Sở cũng đã phát động nhiều phong trào thiết thực, ý nghĩa. Điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua là phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 đã được các quận, huyện, thị xã, các nhà trường tích cực hưởng ứng.
Đến nay, 30/30 phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; gần 100 trường THPT trên địa bàn TP đã xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết hợp tác về giáo dục tham gia phong trào. Các nhà trường đã chủ động kết nối, chia sẻ, hỗ trợ chuyên môn; giao lưu văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao; trao tặng trang thiết bị, đồ dùng dạy học...
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các quận nội thành và các huyện ngoại thành trên địa bàn TP; nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, học sinh “ngồi nhầm lớp”; không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau; phong trào “Tiếng trống học bài” tại huyện Ba Vì đang được nhân rộng.
![]() |
Học sinh quận Ba Đình tham gia trò chơi kéo co |
Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện công tác xã hội hoá, tổ chức trao tặng 70 chiếc trống cho các nhà văn hóa xã, trung tâm hoạt động cộng đồng, trường học trên địa bàn TP để khích lệ việc thực hiện "tiếng trống học bài"; phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ" trong triển khai kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội thành và ngoại thành của Thủ đô.
Phong trào với các hoạt động cụ thể: Học sinh dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tự học ngoại ngữ; các thầy cô hỗ trợ học sinh bằng cách xây dựng tài liệu tự học và tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ, qua đó thúc đẩy tinh thần tự học của học sinh, khơi gợi niềm đam mê học tập, mở ra cánh cửa tri thức và cơ hội phát triển cho học sinh.
Đơn vị cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong trường học: Hội khỏe Phù Đổng, Liên hoan các ban nhạc, Liên hoan hợp xướng; Chương trình hành khúc học sinh Thủ đô… Đây là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể lực trong học sinh; tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi trong các nhà trường; nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa ngàn năm văn hiến của Thủ đô; chắp cánh ước mơ, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em học sinh góp phần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở ban hành bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” và triển khai trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2024 - 2025. 15 tiêu chí trong bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được bám sát theo các trụ cột của UNESCO đó là: Học sinh là trung tâm; khuyến khích sự phát triển toàn diện; tạo môi trường an toàn và thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống…
![]() |
Các trường học Hà Nội xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp |
Các nhà trường đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng trường học hạnh phúc với nhiều giải pháp, nhiều mô hình sáng tạo: Từ xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh.
Không những vậy, các nhà trường đã tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương các em học sinh… để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô hạnh phúc và học sinh hạnh phúc trong một ngôi trường hạnh phúc.
Trên cơ sở nội dung 2 bộ quy tắc của TP Hà Nội, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử...; hướng dẫn thực hiện và nội dung quy tắc được niêm yết công khai tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của mỗi nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học… Kết quả cho thấy, chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học được nâng lên rõ rệt.
Lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
Theo đồng chí Trần Thế Cương, từ thực tiễn triển khai phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, trong giai đoạn vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn TP đã có cách làm hay, hiệu quả, phát động được nhiều phong trào ý nghĩa: phong trào “Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh”; “Học sinh Thủ đô nói lời hay, làm việc tốt”; phong trào “3 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn), phong trào “Nghĩ kỹ, nói chậm, hành động ngay”; “Phát triển văn hóa đọc”; “Lời chào người Tràng An”; sáng kiến thưởng "hoa thanh lịch" cho mỗi việc làm tốt….
Thông qua các hoạt động phong trào đã khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh về truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh ở Thủ đô.
![]() |
Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khen thưởng học sinh tiêu biểu Thủ đô |
Những kết quả, tác động tích cực trong công tác xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường học đã góp phần giúp chất lượng giáo dục và đào tạo Thủ đô được giữ vững và có nhiều tiến bộ.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; nề nếp, kỷ cương được duy trì; học sinh tại các nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống, ứng xử, giao tiếp, góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong học sinh, đồng thời lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 7/1/2025 của UBND TP về xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới “TP học tập toàn cầu” của UNESCO.
Phát huy các kết quả đã đạt được, TP tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng trường học thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện một số nội dung quan trọng.
Đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học; tăng cường và sử dụng hiệu quả các thiết chế như động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực, gương mẫu trong công tác xây dựng môi trường văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Đơn vị sẽ chỉ đạo các nhà trường, xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh, từ đó lan tỏa đến phụ huynh học sinh.
Sở tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; nắm bắt thông tin học sinh, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng người học; tiến hành khảo sát thông tin về học sinh ngay từ khi vào đầu cấp học và cập nhật thường xuyên để phục vụ cho công tác giảng dạy, hỗ trợ học tập, rèn luyện của học sinh. Các thông tin này được thu thập, lưu giữ và sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; chủ động phối hợp cùng gia đình và xã hội trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh trong trường học.
Đơn vị cũng quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường; tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi, cấp học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thông tin truyền thông trong việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học.
Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân.
![]() |
Hà Nội tuyên dương các giáo viên dạy giỏi |
Sở chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đơn vị tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục; quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu khát vọng cống hiến.
Đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường.
Đồng chí Trần Thế Cương cũng nhắc lại trong bài phát biểu nhân Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào đạo Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: “Giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung của cả nước, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch, trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch”.
"Xây dựng trường học văn minh, thanh lịch cũng chính là góp phần phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi lẽ sản phẩm của một nhà trường văn minh, thanh lịch là những con người được giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; biết yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong trường học là nền tảng để có một Thủ đô phát triển văn hóa, con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 06-CTr/TU đã đề ra.
Khi các cấp quản lý giáo dục quyết tâm, các thầy cô giáo không ngừng đổi mới và cộng đồng cùng đồng hành, chúng ta có thể tin tưởng rằng Hà Nội sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc kiến tạo môi trường giáo dục thanh lịch, văn minh, hạnh phúc - nơi mỗi học sinh đều được yêu thương, tôn trọng và cảm thấy an toàn, mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tốt nhất, nơi niềm vui và hạnh phúc lan tỏa trong từng lớp học, từng hành lang và trong trái tim mỗi người", đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tự hào, lạc quan về dư địa, tương lai văn hóa của Hà Nội

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng

Không tăng giá vé từ cảng Ao Tiên đi Cô Tô

Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng

Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, nhân lên những giá trị nhân văn

Tháng ba mùa xuân đi qua ngõ

Những câu chuyện đậm chất Hà Nội trên sóng phát thanh, truyền hình

Quảng bá văn hóa đời thường, đậm chất riêng có của người Hà Nội
