Trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong đấu tranh với tin giả
Bộ trưởng Bộ Công an: Tin giả gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng Đưa thông tin gian dối kinh doanh vật tư y tế để lừa đảo Livestream tin giả, một người bị phạt 7,5 triệu đồng |
Đó là chia sẻ của nhà báo Phùng Huy Thịnh trong tham luận gửi đến Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức chiều 24/3.
Tin xấu, giả - hậu quả khôn lường
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Ứng xử của người Hà Nội xưa nay vẫn được coi là chuẩn mực về lối sống, nền nếp, văn hóa. Bởi thế, những hành vi ứng xử lệch chuẩn cần phải được truyền thông lên tiếng phê phán.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thì mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook… càng trở nên phổ biến. Như một điều tất yếu, xu hướng con người sử dụng không gian mạng ngày càng gia tăng, tác động lớn tới không gian sống thực của con người.
![]() |
Nhà báo Phùng Huy Thịnh |
Không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận, không gian mạng còn là nơi kết nối xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, thông tin xấu, độc.
Bên cạnh đó, đội ngũ KOLs được hiểu là những người có ảnh hưởng lên cộng đồng mạng; nắm giữ "sức mạnh" truyền thông và trở thành một "thế lực" có thể chi phối, điều hướng dư luận trên không gian mạng… từ đó tạo ra các tác động lớn đối với xã hội.
Cùng với những KOLs có trách nhiệm, có vai trò ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, cũng có không ít người đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để có những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh trật tự… Thực trạng trên đặt ra những vấn đề cấp thiết trong công tác quản lý hoạt động cũng như phát ngôn của những người có ảnh hưởng.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh dẫn chứng, vụ việc một nam TikToker ngồi xe lăn tố quán phở cách đây tròn 1 năm gây ảnh hưởng đến chủ quán ăn ở Hà Nội. Theo đó, Tiktoker V.M.L đăng trên trang của mình với nội dung thể hiện bản thân và bạn gái bị chủ quán phở ở phố Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn.
Sau những dòng chia sẻ của V.M.L, nhiều người lên tiếng chỉ trích quán ăn, tuy ngay sau đó, sự việc được xác minh thì sự thật lại không như phát ngôn của Tiktoker. Sau đó, bạn nam này phải xóa bài, xin lỗi…
Những tin giả, tin xấu độc hại như vậy gây ảnh hưởng đến hình ảnh, con người Thủ đô - nơi luôn được coi là chuẩn mực về văn hóa. Thậm chí, điều này gây tác động tiêu cực đến du lịch Thủ đô. Khi chúng ta đang coi du lịch văn hóa là một trong những ngành để phát triển công nghiệp văn hóa.
Sự việc thứ hai, cách đây 1 năm, mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt về bài viết "Lời khẩn cầu từ vườn thú Hà Nội". Bài viết đã thu hút sự quan tâm của dư luận với hơn 6.000 lượt bình luận và chia sẻ. Đa số các bình luận đều xót xa cho đàn khỉ, số khác hoài nghi về cách chống rét cho động vật tại vườn thú. Tuy nhiên, thực tế sau khi xác minh thông tin, nhiều người mới vỡ lẽ bởi họ quá dễ dàng bị "dẫn dắt" với thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh cùng thông tin từ lãnh đạo Vườn thú Hà Nội được biết, những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội đã được chụp từ cách đây 2 năm, khi các chú khỉ bị ốm, mắc bệnh rụng lông và được vườn thú lập hồ sơ chăm sóc đặc biệt.
Báo chí “giải độc” bằng thông tin chân thực, khách quan
Nhà báo Phùng Huy Thịnh nhận định, hoạt động tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội luôn được Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gắn chặt với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TƯ, ngày 22/10/2010, của Bộ Chính trị khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông”, trong đó yêu cầu “đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới”; thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm |
Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet”, nhờ đó trang bị kiến thức cần thiết để người tham gia hoạt động trên mạng, sử dụng mạng xã hội nhận diện, cảnh giác trước tính chất nguy hại của những thông tin xấu, độc, qua đó, mỗi người có thể tự lựa chọn, tiếp nhận thông tin hữu ích, đồng thời biết sàng lọc, tạo “miễn dịch” trước những thông tin xấu, độc đang tràn lan trên mạng.
Theo nhà báo Phùng Huy Thịnh, khi xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc, báo chí phải kịp thời “giải độc” thông tin nhanh chóng bằng nguồn tin xác thực, tin cậy giúp người dân nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, các tòa soạn phải tích cực đấu tranh, phản bác, đồng thời tuyên truyền và huy động người dân tham gia chia sẻ, lan tỏa nguồn thông tin chính thống thành dòng chủ lưu, chi phối trên mạng.
![]() |
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" |
Đối với các vấn đề, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và phức tạp được dư luận quan tâm, phải dự báo được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng.
"Chúng ta có 2 quy tắc ứng xử được ban hành. TP Hà Nội cũng ban hành Chương trình 06 về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc báo chí nâng cao trách nhiệm trong phản bác tin xấu, tin giả, tin độc sẽ góp phần gìn giữ nét thanh lịch, chuẩn mực văn hóa, văn minh của người Hà Nội.
Vì thế, tòa soạn báo - nơi người đọc và cộng đồng yêu mến cần đi trước về ứng xử cộng đồng. Trong đó, lãnh đạo báo - người làm gương về ứng xử, về sử dụng mạng xã hội chuẩn mực. Cán bộ, phóng viên báo - những người cần có ứng xử văn hóa cao trong phản ánh thực tế, đưa thông tin chân thực và lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp trên mạng xã hội", nhà báo Phùng Huy Thịnh nhấn mạnh.
Để tăng “sức đề kháng” cho người dân Thủ đô, nhà báo Phùng Huy Thịnh cho rằng, cần sử dụng chính mạng xã hội - các trang page chính thống của các cơ quan chức năng Thủ đô Hà Nội như Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội… để phản bác thông tin sai lệch; tuyên truyền các chế tài về quy định sử dụng mạng xã hội; kiểm chứng thông tin thật - giả; tạo thói quen theo dõi thông tin từ báo chí chính thống nhiều hơn dựa trên nguồn tin chính thống.
Song song đó, các tòa soạn cần tận dụng chuyển đổi số để tuyên truyền cho người dân về tin giả, xấu, độc bằng chính kênh zalo OA phường, xã, tổ dân phố bên cạnh phương tiện truyền thống là loa phường…
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng

Không tăng giá vé từ cảng Ao Tiên đi Cô Tô

Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng

Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, nhân lên những giá trị nhân văn

Tháng ba mùa xuân đi qua ngõ

Những câu chuyện đậm chất Hà Nội trên sóng phát thanh, truyền hình

Quảng bá văn hóa đời thường, đậm chất riêng có của người Hà Nội

Nâng cao hiệu quả truyền thông, mang lại giá trị tích cực cho Thủ đô
