20 gia đình giáo viên có nguy cơ… “màn trời, chiếu đất”!
30 năm sinh sống trong khu tập thể, phục vụ công tác giáo dục
Theo đơn kêu cứu của các giáo viên, những năm 1980, Ninh Hiệp là một xã vùng sâu, vùng xa, đường vào xã còn khó khăn, cách xa quốc lộ. Để thu hút giáo viên về địa phương công tác, UBND xã Ninh Hiệp đã xây dựng 2 dãy nhà tập thể tạo điều kiện cho giáo viên có chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với trường với lớp, với con em của bà con Nhân dân xã. Khoảng năm 1990, xã tiếp tục xây thêm một dãy nhà nữa với tổng cộng 20 căn, cũ và mới.
Bà Nguyễn Thị Thơm, cựu giáo viên trường Tiểu học Ninh Hiệp cho biết: Thời điểm đó khi phân nhà, Nhà trường xem xét tiêu chuẩn phải thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình đông con, chưa có nhà, ở xa trường... và phải có đơn được Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường xét duyệt.
Nhiều cô giáo trường Tiểu học và THCS xã Ninh Hiệp đang đứng ngồi không yên khi nhận được thông báo phải di dời khỏi khu tập thể sau 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi đây |
“Trong 20 hộ, có 7 hộ thuộc gia đình chính sách (2 giáo viên là con thương binh, 2 giáo viên là con liệt sỹ, 2 giáo viên là vợ nạn nhân chất độc da cam, 1 giáo viên là vợ bộ đội). Chúng tôi sinh sống ổn định mấy chục năm nay không có tranh chấp gì. Đến nay, căn nhà cấp 4 mà chúng tôi được phân đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi nhiều lần làm đơn đề nghị UBND xã cho sửa chữa hoặc hợp thức hóa để chúng tôi xây dựng, sửa chữa nhưng UBND xã không giải quyết”, bà Thơm nói.
Cũng theo bà Thơm và nhiều cô giáo khác đã nghỉ hưu và đang còn giảng dạy, công tác tại trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp cho biết: Khi về ở đây, khu tập thể có 20 căn nhà cấp 4, 1 công trình phụ (1 nhà tắm, 1 bếp ăn tập thể, 1 giếng khơi, nhà vệ sinh). Qua thời gian, việc kinh doanh ở Ninh Hiệp phát triển, xã đã cắt toàn bộ công trình phụ của khu tập thể để làm chợ, dẫn đến cuộc sống của các hộ gia đình giáo viên không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu. Sau đó, xã đã xây lại 1 nhà vệ sinh tự hoại giao cho các hộ dân khu tập thể.
Cô Nguyễn Thị Thơm cùng gia đinh cố gắng vượt qua khó khăn, gắn bó với sự nghiệp giáo dục |
“Thời điểm đó, các hộ gia đình tự bỏ tiền ra để lấp ruộng, làm sân, làm bếp, làm đường đi, cống rãnh, làm nhà vệ sinh, xây tường rào… Công trình này được UBND xã Ninh Hiệp đồng ý và cho người đến cắm mốc địa giới, hướng dẫn xây dựng (ông Vĩnh lúc đó đang là nhân viên địa chính của xã, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp, trực tiếp xuống hiện trường thực hiện việc đo đạc, cắm mốc giới để các hộ gia đình làm đường và công trình phụ).
Vậy mà, đến nay, một số cán bộ UBND xã Ninh Hiệp đương nhiệm lại không công nhận những công trình này và cho rằng chúng tôi tự ý xây dựng trái phép, nói chúng tôi là lấn chiếm, vi phạm Luật Đất đai, yêu cầu phải di dời bàn giao mặt bằng, trả lại đất cho xã quản lí. Như vậy, từ người chịu thiệt thòi phải hy sinh vì lợi ích chung thì nay chúng tôi lại trở thành người vi phạm”, bà Nguyễn Thị Thơm chia sẻ.
Các giáo viên không biết đi đâu, về đâu khi cả đời cha đến đời oon gắn bó với ngôi trường, mảnh đất Ninh Hiệp |
Theo các cô giáo cho biết, các hộ gia đình đã 4 lần làm đơn (2005, 2009, 2011, 2015) gửi UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm xin được thanh lý nhà nhưng không được giải quyết, ngược lại UBND xã Ninh Hiệp còn đề nghị huyện Gia Lâm thu hồi. Từ năm 2016 đến nay, các hộ gia đình giáo viên tiếp tục làm đơn nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, trong khi họ vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, không được sửa chữa, xây dựng lại.
Bức xúc vì bị “ đuổi” ra khỏi khu tập thể không lý do
“Mới đây, ngày 17/3/2021, UBND xã Ninh Hiệp ra văn bản số 76/TB-UBND ra ngày 15/3/2021 thông báo về việc yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp (vị trí C30) di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND xã quản lý. Trước thông báo này, chúng tôi mất ăn, mất ngủ, khóc thương cho số phận bị đối xử tệ bạc. Các giáo viên trong khu tập thể đã gắn bó cả đời cho sự nghiệp giáo dục bao thế hệ học sinh của xã suốt 30 năm qua.
Nhớ lại những năm 1980 - thời kì bao cấp, cuộc sống vô cùng khó khăn, có không ít thầy cô giáo khi được phân công về Ninh Hiệp công tác đã trả quyết định, bỏ nghề, xin chuyển đến trường khác vì không vượt qua được gian khó. Trong khi đó, chúng tôi vẫn bám trường, bám lớp, bám trụ tại địa phương, chung tay vì sự nghiệp giáo dục. Biết bao thế hệ học sinh được chúng tôi dạy dỗ đã trưởng thành và trở thành công dân có ích.
Không chỉ chúng tôi cống hiến cả đời mà con em chúng tôi lớn lên trên mảnh đất này cũng đã và đang nối tiếp công việc của cha, mẹ. Trong khu, có 4 cháu đang dạy học tại THCS Ninh Hiệp và Tiểu học xã nhà. Một cháu làm Bí thư Chi đoàn thôn 5. Các cháu là con của 4 cô giáo (cô Tiến, cô Oanh, cô Lạng, cô Hiển). Chúng tôi từ những người có công, cống hiến từ đời cha tiếp nối đến đời con cho giáo dục của xã nhà, nhẽ ra được tôn vinh bỗng chốc thành kẻ bị xua đuổi ra khỏi nơi cư trú không một lý do”, cô Nguyễn Thị Lạng bức xúc nói.
Cô Nguyễn Thị Lạng chỉ cho PV thấy khu nhà tập thể cấp 4, xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước nay đã xuống cấp. |
Cũng theo đơn của các hộ giáo viên cho biết, đa số các hộ gia đình ở đây đều là những gia đình đặc biệt khó khăn như gia đình nhà cô Thơm, cô Lạng. Cô Thơm có chồng là nạn nhân chất độc màu da cam, không đủ sức khỏe để lao động, một mình cô phải nuôi 5 miệng ăn trong giai đoạn lương không đủ sống cho 1 người, ngoài giờ lên lớp, cô phải thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi, nhận thêm hàng may mặc về gia công, nuôi sống gia đình.
Trước đây, cô không có đất, có nhà, phải ở nhờ chuồng nuôi trâu của xã. Sau đó, năm 1983, cô được xã và nhà trường mời về ở trong khu tập thể. Thế mà nay cô lại bị yêu cầu dời khỏi chỗ ở được phân, thì biết đi đâu, về đâu. Còn cô Lạng, chồng là bộ đội về mất sức, không có lương, cô phải một mình chăm lo cho gia đình 4 miệng ăn.
Cuộc sống trong những ngôi nhà xuống cấp của các cô gíao gặp nhiều khó khăn, nhưng xin sửa chữa cũng không được |
Trong đơn các cô giáo đặt câu hỏi, trước khi ra thông báo, UBND xã Ninh Hiệp không hề mời các hộ gia đình trong khu tập thể giáo viên ra họp, trao đổi về việc di dời, bàn giao mặt bằng, giải thích lý do di dời, mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình đang ở và phương án đền bù như thế nào? Hơn thế nữa khu đất các hộ giáo viên đang ở không thuộc diện quy hoạch của Nhà nước và nằm ngoài khuôn viên nhà trường. Tại sao xã bắt các hộ gia đình phải di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND xã?
Trước nguy cơ mấy chục hộ gia đình, hàng trăm nhân khẩu bị đẩy ra đường, không nơi ở, không biết bấu víu vào đâu, họ đã làm đơn khẩn thiết kêu cứu mong các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết để họ được yên tâm công tác và có chỗ ở ổn định lâu dài.
Nhiều ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, đổ sụp |
Để có thông tin khách quan, đa chiều trả lời bạn đọc về sự việc trên, ngày 31/3, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp. Qua điện thoại, ông Tuấn cho biết: "UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản trả lời các hộ dân (việc xin thanh lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp - PV). Xã ra thông báo yêu cầu 20 hộ gia đinh di dời, giải tỏa theo quyết định của UBND huyện Gia Lâm để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Phóng viên cần thông tin thì liên hệ với UBND huyện Gia Lâm, cụ thể là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện".
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ thông tin tới bạn đọc.