Xử lý nghiêm xe đầu kéo tự ý cắt nóc container chở quá tải
Ảnh minh họa |
Tăng cường kiểm soát tải trọng xe
Theo Bộ Giao thông Vận tải, gần đây, nhiều tuyến đường xuất hiện phương tiện ôtô đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc chở container tự cải tạo kết cấu, tính năng kỹ thuật; nhiều xe tự ý cắt nóc container để thành tổ hợp phương tiện vận tải vận chuyển khối lượng rất lớn, vượt nhiều lần so với tải trọng cho phép tham gia giao thông. Việc này gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với công trình cầu, đường bộ.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện vi phạm về kích thước thùng hàng, chở hàng hóa quá tải trọng theo quy định, kiểm tra bằng cân lưu động hoặc cân xách tay trên các đoạn quốc lộ, tập trung trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhất là các tuyến đường qua các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, các đơn vị cần đặc biệt lưu ý các loại ôtô đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc chở container đã được chủ phương tiện tự ý cải tạo tính năng kỹ thuật, công năng sử dụng để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, vi phạm vượt quá tải trọng cho phép. Đồng thời, tổng hợp danh sách, số xe vi phạm gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, kiểm định, kiểm tra chặt chẽ khi thực hiện việc đăng kiểm định kỳ đối với các phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm kiên quyết từ chối kiếm định đối với các trường hợp ôtô đầu kéo, sơmi rơmoóc lắp đặt thêm các cơ cấu bơm thủy lực, bình dầu thủy lực, cơ cấu nâng hạ thùng hàng tự đổ, chân chống và các kết cấu không đúng với thiết kế của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chuyên ngành, phúc tra kết quả kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm và xử lý nghiêm (có tăng nặng) các trường hợp đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên vi phạm các quy định nêu trên.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông các Sở Giao thông Vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các đầu mối xếp hàng, đặc biệt là tại các bãi vật liệu, công trường; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải trong hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về tải trọng của phương tiện, của cầu đường theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-Cp của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải chủ động, tăng cường phối hợp với Cảnh sát giao thông tổ chức các lực lượng kiểm tra liên ngành để triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được trang bị; xử lý nghiêm các phương tiện, doanh nghiệp vận tải vi phạm, đặc biệt lưu ý đối với trường hợp ôtô đầu kéo, sơmi rơmoóc chở container chạy trên các tuyến đường ngắn, tuyến đường tập trung nhiều bãi vật liệu, công trường khai thác...
Từ 15/12, triển khai cao điểm bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết
Theo Cục Cảnh sát giao thông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, từ ngày 15/12/2020-28/2/2021, cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ triển khai cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông-trật tự xã hội năm 2021.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông |
Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn, ùn tắc trên các tuyến giao thông; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng, đảm bảo các hoạt động giao thông vận tải, nhu cầu vui chơi, lễ hội của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trọng tâm của đợt cao điểm này là bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, phục vụ việc đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và các Lễ hội đầu Xuân 2021, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...
Cụ thể, trên lĩnh vực giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường; dừng, đỗ sai quy định; chở quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không nhường đường cho xe cho xe ưu tiên; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá niên hạn kiểm định.
Xe ôtô chở khách, ôtô vận tải container và xe môtô là những đối tượng tập trung kiểm soát, xử lý.
Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền, công an các đơn vị địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường sắt; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông, đường ngang không có cảnh giới hoặc mở trái phép; các quy định về phòng, chống cháy nổ, vận chuyển hành khách, hàng hóa... Địa bàn trọng tâm là tuyến đường sắt Thống Nhất và các ga trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn và một số ga chính trên tuyến đường sắt Thống Nhất.
Bên cạnh đó, trước Tết Nguyên đán, cảnh sát đường thủy tập trung vào các đối tượng kinh doanh hàng hóa, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm như sông Hồng, sông Đuống, sông Lam, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu…
Sau Tết Nguyên đán, cảnh sát sẽ tập trung rà soát các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.
Thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông.
Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm trên các tuyến đường bộ từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội; tuyến biên giới Tây Nam về Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến biên giới Việt-Lào; tuyến đường sắt Thống Nhất, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Lào Cai.
Cảnh sát đường thủy cũng tăng cường lực lượng trinh sát nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trộm cắp, buôn bán ma túy, khai thác, kinh doanh, tập kết cát, sỏi, tài nguyên trái phép, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm...
Trong kế hoạch, Cục Cảnh sát giao thông cũng yêu cầu Cảnh sát giao thông công an các đơn vị, địa phương cần nắm chắc tình hình, lịch trình hoạt động bên lề của các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để kịp thời, chủ động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ Đại hội.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tiếp xúc với người dân, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng cảnh sát giao thông phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế; nêu cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; chấp hành nghiêm điều lệnh của ngành; nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn khi thi hành nhiệm vụ.