Xử lý nghiêm người phát tán thông tin không chính xác, gây hoang mang về Covid-19
Người phát tán thông tin sai sự thật về bệnh nhân Covid-19 làm việc tại cơ quan công an.
Bài liên quan
Hà Nội yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về dịch Covid-19 trên địa bàn
Nâng cao tinh thần chủ động, nắm chắc thông tin, tự giác phòng, chống dịch
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong cả nước, công tác phòng, chống Covid-19 của nước ta đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số người do thiếu hiểu biết hoặc cố ý đã thông tin sai sự thật về dịch bệnh, gây hậu quả trong việc phòng, chống dịch.
Mới đây, ngày 10/3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Công an quận Đống Đa triệu tập đối tượng K.P.T (sinh năm 1984; trú tại quận Đống Đa) để làm rõ vụ việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về nữ bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Công an xác định, ngày 7/3, chị T đã đăng tải trên trên Facebook cá nhân thông tin nữ bệnh nhân này đã tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc do dương tính với Covid-19.
Đây là thông tin không chính xác và gây hoang mang dư luận. Tại cơ quan công an, chị T đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, bản thân đã nhận thức được hành vi vi phạm và cam kết không tái phạm.
Cũng trong ngày 10/3, cơ quan chức năng cũng phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm tiến hành lập hồ sơ xử lý trường hợp Q.T. T (sinh năm 1984; trú tại quận Nam Từ Liêm) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đang tiếp tục nắm tình hình trên không gian mạng, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định.
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động cùng với các Bộ, ngành trong phòng, chống Covid-19, trước đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 362/BTP-PBGDPL hướng dẫn tăng cường tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Trong đó, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo có liên quan nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thực hiện quyết liệt các biện pháp do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đề ra; chú trọng việc quán triệt, phổ biến, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.
Nội dung PBGDPL phòng, chống dịch bệnh cần tập trung vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Dược năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về an toàn thực phẩm; kết hợp thông tin đầy đủ diễn biến tình hình dịch, khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch; chỉ đạo việc tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng và các hành vi lợi dụng dịch do Covid-19 gây ra để trục lợi…
Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương tăng cường phổ biến quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 .
Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tăng cường thời lượng, lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các văn bản pháp luật liên quan trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài với nhiều thể loại đa dạng, phong phú