Xử lý nghiêm đối tượng vi phạm phòng dịch, chống người thi hành công vụ
Liên tục xảy ra việc chống người thi hành công vụ
Thời gian qua, tại nhiều chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng lăng mạ, xúc phạm, thậm chí chống người thi hành công vụ. Cụ thể, ngày 22/8, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Vinh (SN 1981, ở xã Bình Minh, Thanh Oai) về tội chống người thi hành công vụ.
Nguyễn Ngọc Vinh vừa bị khởi tố, bắt giam về hành vi chống người thi hành công vụ |
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 3/8, tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Công an xã Bình Minh làm nhiệm vụ tuần tra địa bàn đã phát hiện một xưởng gỗ ở thôn Đìa có hai công nhân làm việc. Trong đó, một người không đeo khẩu trang theo quy định. Tổ công tác đã mời người này về trụ sở làm việc.
Lúc này, chủ xưởng gỗ là Nguyễn Ngọc Vinh từ trong nhà đi ra và có lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, ném chai nước về lực lượng chức năng. Không những vậy, đối tượng này còn hung hãn cầm gạch, đá và tuýp sắt đe dọa tấn công cán bộ tổ công tác.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an huyện Thanh Oai đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Vinh để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ. Hiện Công an huyện Thanh Oai đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định.
Tiếp đến, ngày 23/8, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một người phụ nữ được các thành viên tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) nhắc nhở đeo khẩu trang đúng quy định.
Theo clip, người phụ nữ đi xe máy, kéo khẩu trang xuống cằm nên lực lượng chức năng đề nghị đeo lại. Tuy nhiên thay vì chấp hành yêu cầu của tổ công tác, người phụ nữ này có lời nói thách thức. Khi lực lượng chức năng dùng điện thoại để ghi lại sự việc, người phụ nữ đã giật điện thoại của lực lượng làm nhiệm vụ.
Liên quan tới vụ việc, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, vụ việc xảy ra chiều 21/8. Ngay khi vụ việc xảy ra, Công an xã Tản Lĩnh đã khống chế, đưa người phụ nữ này về trụ sở để làm việc. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và củng cố hồ sơ để xử phạt người phụ nữ trên.
Người phụ nữ đeo khẩu trang không đúng quy định, khi được nhắc nhở còn giật điện thoại của tổ công tác (Ảnh cắt từ clip) |
Cũng liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ, chiều 23/8, UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 3,7 triệu đồng đối với Nguyễn Đức (38 tuổi, ở khu đô thị Đặng Xá) với 3 lỗi vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đội mũ bảo hiểm và điều khiển xe chưa đăng ký.
"Bên cạnh việc xử phạt hành chính, UBND xã đã đề nghị Công an huyện Gia Lâm tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý hình sự đối với Nguyễn Đức về hành vi chống người thi hành công vụ", Chủ tịch UBND xã Đặng Xá thông tin.
Trước đó vào tối 15/8, Nguyễn Đức trở về nhà ở khu đô thị Đặng Xá thì bị lực lượng chốt kiểm soát dịch Covid-19 dừng xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, người đàn ông này không chấp hành, có hành vi xúc phạm, lăng mạ lực lượng tại chốt kiểm soát. Đối tượng nhiều lần to tiếng, xưng là tiến sĩ, làm việc ở VTV (Đài Truyền hình Việt Nam). Khi cán bộ tại chốt yêu cầu xuất trình giấy tờ, người đàn ông này ném đồ đạc, tự ý lên xe bỏ đi.
Lúc này, lực lượng Công an xã Đặng Xá được huy động đến chốt, khống chế và đưa Đức về trụ sở công an. Tại đây, người đàn ông 38 tuổi tỏ ra say xỉn nên được người thân đưa về nhà.
Người đàn ông áo trắng tự xưng cán bộ VTV và có nhiều hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh cắt từ clip) |
Đến sáng hôm sau, làm việc với cơ quan chức năng, Đức thừa nhận hành vi sai trái của bản thân. Đức cho biết bản thân từng công tác ở VTV được 10 năm nhưng đã chuyển sang làm giám đốc marketing của một công ty tư nhân được khoảng một năm nay.
Chống người thi hành công vụ có thể bị phạt đến 3 năm tù
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đối với hành vi vi phạm quy định về phòng dịch thì những người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Hành vi không đeo khẩu trang sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng.
Nếu hành vi được xác định là “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A” thì người vi phạm còn có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 12 của Nghị định số 117.
Người đàn ông có biểu hiện chống người thi hành công vụ được triệu tập đến làm việc |
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan chức năng sẽ làm rõ từng vụ việc cụ thể để xem xét có đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa trên cơ sở phân tích nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội.
Pháp luật hiện hành quy định hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có lời nói, thủ đoạn khác cản trở hoạt động thi hành công vụ, khiến người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện công vụ trái pháp luật...
Pháp luật quy định, hành vi lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội.
Trường hợp hành vi được xác định là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác cản trở hoạt động thi hành công vụ của người thi hành công vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ làm trái công vụ của mình thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi vi phạm, đánh giá hậu quả xảy ra để xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự để có những biện pháp răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước mà không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, có hành vi cản trở người thi hành công vụ như vậy thì phải xử lý nghiêm minh hơn. Ngoài các chế tài hành chính hoặc hình sự có thể áp dụng nêu trên, nếu là cán bộ công chức, viên chức mà vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng và kỉ luật về mặt chính quyền theo quy định.
Nếu trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì hành vi này cũng được xác định là có “tiền sự”, bị ghi vào lý lịch tư pháp, bị xác định là nhân thân xấu.
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụNgười nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm. |